Chuyện “Văn hoá khen thưởng”

(NTO) Vốn là bạn bè từ thời học phổ thông, học xong đại học mỗi đứa về công tác một nơi. Nhân dịp cuối năm về tỉnh họp họ mới có dịp gặp nhau hàn huyên. Sau chuyện gia đình, chuyện học hành, việc làm thằng bạn bất chợt hỏi: Ông làm việc hơn 35 năm, lại là cán bộ lãnh đạo quản lý chí ít cũng được thưởng huân chương, huy chương rồi phải không? Hắn thủng thẳng: Ông cứ đùa, tôi là "tuýp" người của công việc ông biết rồi còn hỏi.

Nghe xong anh bạn phân trần: Tôi hỏi cho vui vì chỗ tôi hiện nay xuất hiện khái niệm “văn hoá khen thưởng”. Thấy hắn có vẻ ngạc nhiên, anh bạn giải thích: Để tôi kể chuyện khen thưởng ông nghe khắc rõ.

Chuyện thứ nhất: Khen thưởng ở cái đức

Anh vốn trưởng thành từ cán bộ phong trào Đoàn cơ sở. Việc học hành cũng chẳng suôn sẻ bởi gia đình là nông dân, đông con, anh vừa học vừa lo lao động giúp đỡ cha mẹ. Tốt nghiệp trung học cơ sở xin vào làm cán bộ Đoàn thanh niên ở xã. Vừa làm vừa học rồi có bằng tốt nghiệp trung học bổ túc, đại học kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Do nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được trên điều động, bổ nhiệm làm lãnh đạo phòng cấp huyện, rồi trưởng phòng của một ban Đảng tỉnh. Công tác mấy năm sau, do gia đình khó khăn anh xin về huyện và được phân công giữ chức vụ trưởng phòng. Với bản tính thường xuyên rèn luyện, khiêm tốn học hỏi, giúp đỡ mọi người, bất cứ công việc gì anh đều hoàn thành với chất lượng cao. Sau ít năm trở lại huyện công tác, anh được cấp uỷ Đảng, chính quyền tin tưởng, nhân dân yêu mến và được bầu làm lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo huyện uỷ. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, anh được cấp trên điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ thủ trưởng một ngành quan trọng của tỉnh. Trao đổi, tâm sự với cán bộ, công chức cơ quan, với bạn bè chẳng bao giờ anh nói về mình, về hoàn cảnh khó khăn anh đã trải qua, thay vào đó là những câu chuyện thật cảm động về Bác Hồ với nhân dân, với nông dân, với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang….cứ như anh là nhà nghiên cứu về Bác vậy. Làm cán bộ từ cơ sở, lãnh đạo huyện, lãnh đạo ngành tỉnh nhưng không thấy anh được tặng thưởng huân chương, huy chương gì cả. Hỏi thì anh cho biết: Anh em họ làm nhiều việc vất vả lắm, nhờ có họ mà cơ quan mới hoàn thành nhiệm vụ, khen thưởng họ xứng đáng được nhận, mình làm lãnh đạo mà cơ quan đoàn kết, anh em tin tưởng đó là phần thưởng lớn nhất rồi. Ngẫm nghĩ lại tôi mới cảm nhận được tại sao anh hay kể lại những câu chuyện về Bác Hồ bởi nhờ đó mà cái đức ở Bác đã truyền lửa cho anh để như anh nói “phần thưởng lớn nhất là sự tin tưởng của mọi người” đối với mình. Vậy nên khen thưởng đâu chỉ ở những tấm bằng khen, huân chương, huy chương mà cái lớn nhất ở mỗi con người vẫn là sự lan toả từ cái “đức” đúng như lời Bác Hồ dạy

“Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”.

Chuyện thứ hai: “Văn hoá khen thưởng”

Trong cuộc sống có những người khá là may mắn trên đường công danh. Đó là chuyện về anh cán bộ còn khá trẻ công tác tại cơ quan nhà nước. Tốt nghiệp trung học phổ thông loại trung bình, học đại học tại chức ra trường với tấm bằng trung bình, làm nhân viên hợp đồng được 1 năm rồi vào ngạch chuyên viên. Sau hơn 10 năm công tác đến nay là cấp phó, bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn cơ quan. Năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao bình bình không có gì nổi trội nhưng bù lại anh “có tài” khéo léo trong quan hệ. Khen thưởng sơ kết đợt thi đua, tổng kết năm công tác, khen công đoàn, khen công tác Đảng, khen việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…đều có tên anh. Anh em trong cơ quan xì xào “mâm nào bác cũng có phần” rồi họ bình phẩm rằng “không có văn hoá khen thưởng”. Thế nên, dù là cán bộ lãnh đạo nằm trong diện quy hoạch cấp trưởng nhưng những năm qua anh vẫn yên vị tại chỗ cho dù đã có hai lần cấp trưởng cơ quan anh được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn.

Thay cho lời kết

Chuyện trên đây có thể hiện diện ngay tại cơ quan, đơn vị nơi bạn công tác với mức độ ít, nhiều. Khen thưởng có từ xa xưa nhằm ghi nhận, vinh danh những người có công lao với làng, xã, quê hương, đất nước và cho đến ngày nay bản chất của khen thưởng vẫn là như vậy, ai có thành tích, có công lao đều được Nhà nước khen thưởng. Khen thưởng mà được mọi người “tung, hô” thì vinh dự lắm, đáng khen lắm bởi những người như vậy “cái đức, cái tài” ở họ lan toả mạnh mẽ trong tập thể, cộng đồng. Khen thưởng mà mọi người không thừa nhận mình là ta đã tự lừa dối bản thân, tự tách mình ra khỏi tập thể, cộng đồng. Vậy nên “văn hoá khen thưởng” chính là mỗi cá nhân hãy để cho lòng tự trọng lên tiếng bởi sự tin tưởng, yêu mến, thừa nhận của mọi người về sự cống hiến của bản thân cho xã hội mới là phần thưởng quan trọng nhất và hạnh phúc nhất!