Anh về chụm bếp rạ rơm,
Ống tre em giấu hương thơm gạo mùa.
Nhà mình giàu có thì chưa,
Năm mười hai tháng dư thừa thương yêu.
Phan Thành Minh
“Anh về” được thông báo từ câu thơ mở đầu, nên người đọc không lấy gì làm ngạc nhiên khi mới đọc đến chữ thứ 3 (của câu 2), đã thấy em, nhân vật trữ tình khấp khởi mừng và không quản ngại cuốc bộ chặng đường dài ra sớm để đợi, đến trước để chờ từ bao giờ rồi.
Anh về chụm bếp rạ rơm / Ống tre em giấu hương thơm gạo mùa. Về tới quê hương, sau bao ngày xa cách, về với mảnh vườn có bụi chuối, hàng cau, với ngôi nhà mái tranh tre nứa lá đơn sơ mộc mạc nhưng thật ấm cúng của đôi vợ chồng trẻ ở một miền quê nghèo nhưng đậm đà thủy chung tình nghĩa, anh cùng em: chụm bếp rạ rơm. Hiếm có hình ảnh nào thân thuộc chân quê, trìu mến hơn thế!
Còn gì ấm cúng hơn, hòa hợp hơn, khi bếp lửa rạ rơm quê, bập bùng rực đỏ thổi chín nồi cơm gạo mới tình quê, ngào ngạt tỏa hương quê!
Không biết có gì trong bốn tiếng chụm bếp rạ rơm dân dã ấy mà sao đầm ấm thổn thức trong lòng ta đến lạ !
Ống tre em giấu hương thơm gạo mùa.
Ôi, nói sao cho hết được tấm lòng người vợ được dồn nén trong câu thơ chỉ vẻn vẹn tám tiếng này! Thương chồng, người vợ chọn gạo mùa, những hạt gạo trắng trong, thơm dẻo nhất, quý nhất mà bản thân mình “một nắng hai sương” vừa làm ra được đó; lại được cất giấu vào ống tre vườn nhà, nâng niu, bấm đốt ngón tay, hẹn chờ chồng tới ngày… gặp mặt.
Ống tre và gạo mùa hai loại sản vật in đậm tình quê, một tự nguyện rẽ lên đứng đầu và một, tự nguyện rẽ về đứng cuối câu thơ, dang rộng vòng tay nhân ái, âu yếm nâng niu, nhẹ nhàng ủ ấp – hương thơm – nằm trọn giấc êm vào giữa lòng mình.
Hương thơm gạo mùa ở đây đâu chỉ là một thứ sản vật mà còn là hương lòng của thủy, của chung, của tình vợ, tình chồng, tình quê tỏa ngát?
Cũng từ hình ảnh quen thuộc rạ rơm, khói bếp chờn vờn, day dứt, bao đời, lắng đọng in đậm vào 4 câu thơ Trương Nam Chi nghe sao mà da diết:
Về quê nghe tiếng sáo diều
Rạ rơm khói bếp ráng chiều heo may
Nếp thơm dậy những luống cày
Lúa khoai từ mảnh đất này thăng hoa.
Trở lại bài thơ với hai câu kết:
Nhà mình giàu có thì chưa
Năm mười hai tháng dư thừa thương yêu.
Hai câu thơ sao mà đồng điệu và xui lòng ta nhớ về cái ngon của “Chồng chan, vợ húp”: Râu tôm nấu với ruột bầu / Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Sống trong gian khó, nhưng không phải vì thế mà ngăn cản được tình yêu, hạnh phúc lứa đôi thoảng hương như hoa bưởi, hoa chanh vườn nhà của họ.
Chuyện dư thừa thương yêu trong quan hệ vợ chồng ở đây được trân trọng, đề cao biết nhường nào, khi nó được ra đời song hành cùng với cơ chế thị trường hiện tại. Cái cơ chế không khéo dễ làm cho con người vô cảm, “mạnh ai nấy chạy”, tất cả lao theo vật chất mà “lãng quên” tình nghĩa!
Nhà mình giàu có thì chưa. Tác giả không nói thẳng ra là nghèo mà lại bước sang phạm trù ngược lại – giàu có. Nghèo mà nói nghèo là chuyện “xưa như trái đất” rồi, lúc này mới cần đến sự có mặt của cách nói gây ấn tượng? “Chưa giàu” là cách nói sáng tạo, “chưa” có nghĩa là rồi tới “sẽ”, đó là cách nói, cách nghĩ của người lạc quan. Sâu xa hơn, cách nói ấy còn ngầm ý cảnh tỉnh cái lẽ ở đời: hễ khi đã trở thành giàu có về của cải thì lòng người thường dễ từ giã không thương tiếc cái tình, cái nghĩa tốt đẹp thuở nghèo khó buổi đầu? Chẳng phải cha ông đã từng khuyên răn nhẹ nhàng: Mình đừng tham phú phụ bần / Tiền tài ăn hết, nghĩa Châu Trần còn thương…(ca dao) đó sao?
Đọc Anh về của Phan Thành Minh, tôi lại nhớ bài ca dao tình tứ, đằm thắm thủy chung của đôi vợ chồng xa cách:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi gió dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Phải chăng thi tứ “Anh đi” của người xưa, gợi cảm hứng cho thi phẩm “Anh về” của nhà thơ hiện đại?
Tình yêu, hạnh phúc – Hai thời đại và cách diễn đạt thẩm mĩ – Thi ca.
Thái Hà