Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi nắm tay ba tôi bước vào lớp Một, hình ảnh sân trường trong mắt cậu bé lên sáu sao mà mênh mông, gốc me tây cổ thụ xòa cành lá xanh um đứng bề thế giữa sân trường sao mà hùng vĩ và lạ lẫm quá đỗi. Đón cha con tôi là một cô giáo cũng trạc tuổi má tôi. Như một phản xạ bản năng của con nít, thấy người lạ tôi chực òa lên may mà nụ cười hiền dịu của cô đã kịp trấn an tôi và tôi đã rụt rè nắm lấy tay cô bước vào lớp học.
Từ giây phút này dù chưa ý thức được rằng mình đang bắt đầu quãng đời học trò nhưng trong suy nghĩ non dại tôi vẫn mơ hồ nhận ra rằng tôi đang sống với một cuộc đời khác, một môi trường khác ngoài cha mẹ, gia đình và làng quê nhỏ bé bốn mùa xanh rờn hoa trái của mình. Thế là từ sân ga đầu tiên, tôi bước lên tàu. Lộ trình đang đưa tôi và các bạn tôi về hướng mặt trời, nơi có ánh sáng trí tuệ nhân loại và những bài học làm người và những người thắp tim mình để soi sáng kiến thức nhân loại và dạy dỗ ta biết làm người tốt chính là các thầy, cô giáo.
Bạn đừng vội cho mình là người may mắn vì đã được học với những thầy cô tốt bụng và giỏi giang. Xin thưa, tất thảy những ai là học trò trên thế gian này (có lẽ là thế!) đều là những người may mắn bởi vì tấm lòng người thầy luôn từ ái và bao dung. Nếu còn băn khoăn thì bạn hãy tự hỏi lòng mình: Nếu không yêu học trò thì sao thầy (cô) chọn nghề dạy học. Có thể ngày mai trong số rất nhiều học trò của thầy có người thành đạt hiển vinh, có người thường thường bậc trung, cũng có người sa cơ lỡ vận nhưng ngày hôm nay thầy đều thương yêu tất thảy những học trò như nhau. Đứa nào cũng là đứa con tinh thần của thầy. Thầy vui vì con ngoan, biết vâng lời học hành chăm chỉ, tiến triển, thầy sẽ buồn vì con chưa biết vâng lời, học hành bê tha lêu lõng. Suy tư đó, thầy chưa hề nói ra nhưng ánh mắt vui tươi của thầy hay những phút giây trầm tư với nếp nhăn trên trán thầy đã nói lên điều đó.
Trường Tiểu học Mỹ An xưa kia là ngôi trường nhà quê, xây trệt, vách gạch, mái ngói đỏ. Trường có ba dãy phòng xếp hình chữ U và một sân rộng nền đất đỏ. Năm tôi lên lớp bốn được học thầy. Năm lớp bốn, tôi được học thầy P. Dáng thầy cao gầy trông vẻ thư sinh nhưng làn da nâu chắc và những cơ bắp khỏe khoắn của thầy tiết lộ một điều: Thầy là con nhà võ gốc Bình Định. Quả thật, thầy văn võ song toàn. Thầy ít nói và hát rất hay. Mỗi khi thầy cầm đàn ghi-ta, giọng Bình Định trầm ấm, chân phương quyện cùng tiếng đàn bay bổng làm say đắm lũ học trò chúng tôi. Thấy kể chuyện cũng rất tuyệt. Những câu chuyện quê thầy, gia đình thầy và cả những đêm xem bài chòi, hát bội… Lớp học buổi sáng, thỉnh thoảng một vài buổi chiều thầy phụ đạo miễn phí. Quý thầy chúng tôi thường đem sản vật nhà quê biếu thầy nhưng ít khi thầy nhận. Thầy có cách truyền thụ kiến thức cho học trò rất riêng. Ví dụ khi dạy về hình chữ nhật, thầy dạy chúng tôi bài hát như là đồng dao, dễ thuộc, dễ nhớ: “Cái bảng xanh có hình chữ nhật/ Khung cửa này cũng thật không sai/ Hình này bốn cạnh sánh đôi/ Cạnh dài cạnh ngắn góc thời lại vuông”. Cứ thế, những câu hát, câu vè thầy dùng để diễn giải mọi khái niệm, mọi sự vật, hiện tượng cứ trôi chảy và gần gũi khiến học trò vô cùng thích thú tiếp nhận mà không có cảm giác gò bó. Một lần, thầy ra đề bài tập làm văn: “Em hãy kể lại một kỷ vật mà em thích nhất”. Bài của tôi viết về quyển sách vốn là phần thưởng nhà trường dành cho học sinh giỏi cuối năm lớp ba mà tôi vô cùng yêu quý. Đó là cuốn “Tâm hồn cao thượng” của nhà văn Ý Edmon De Amisi. Tôi viết say mê về nhân vật An Di. Đến khi trả bài thầy không cho điểm bài tôi với dòng bút phê: “Em viết lạc đề” . Tuy nhiên sau đó thầy cho đọc bài tôi trước lớp với lời nhận xét rằng tôi là đứa học trò đặc biệt và “thầy tin rằng em sau này sẽ đam mê văn chương, có thể em sẽ cầm bút viết văn”. Sau năm 1975, thầy về lại quê nhà và chúng tôi chưa một lần gặp lại thầy.
Hơn bốn mươi năm trôi qua, nhưng mỗi lần cầm bút tôi vẫn nhớ như in nụ cười hiền lành và bình an cùng giọng nói trầm ấm của thầy cùng lời khuyến khích “ Nếu viết văn, em hãy làm cho văn chương thêm đẹp, thầy tin em.”
Ngôi trường đầu tiên và hình ảnh người thầy với phong thái nghệ sĩ nhưng hết lòng vì học trò như đọng mãi trong tâm trí tôi. Mãi mãi.
Bùi Diệp