Nhìn những học trò cặm cụi từng nét vẽ, nắn nót từng con chữ trên tờ báo tường 20-11 với cả tấm lòng yêu thương, tôi chợt nhớ đến bài thơ của Nguyễn Thụy Diễm Chi "Gửi về cô giáo dạy văn". Bài thơ mộc mạc ngay từ nhan đề, câu chữ không cầu kỳ, gọt giũa nhưng mỗi khi đọc lên vẫn cứ thấy rưng rưng.
Gửi về cô giáo dạy văn
Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò quá nhiều, làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ: sẽ về thăm.
Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm
Ai sẽ nhặt dùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá
giữa trang thơ?
Ước gì... hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui - buồn - cười -
khóc hồn nhiên
Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy: “Văn học là nhân học”
Và chẳng ai học xong bài học làm người!
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp
Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ...
Nguyễn Thụy Diễm Chi
“Thơ hay là thơ chín đỏ trong cảm xúc” (Xuân Diệu). Khi hiện thực đã tích tụ, khi cảm xúc đã đong đầy thì những câu chữ cứ nhảy múa, bật ra thành thơ. Mở đầu bài thơ như một lời tự sự - lời tự sự ẩn chứa quy luật của muôn đời. Ai đó đã ví thầy cô giáo như người chèo đò đưa bao thế hệ học trò sang sông. Sang bên bờ là có biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận. Người chèo đò làm sao cô nhớ hết, không phải muốn quên nhưng không thể nhớ được nhiều. Người đi đò cũng vậy, sang sông là đến với chân trời mới, tự tìm cho mình một lối đi riêng, trong kí ức tâm hồn luôn ăm ắp hành trang về một thời cắp sách để tự nhắc nhủ lòng: nhất định sẽ về thăm. Nhưng trường đời rộng lớn, bao bon chen, tranh đua, hơn thiệt,…lời hứa ngày nào cứ biền biệt trôi xuôi.
Mạch thơ tiếp nối với hàng loạt những giả định: có thể bây giờ; ước gì để khẳng định một điều rằng: nhân vật trữ tình đang da diết, hoài niệm về một thời hoa niên thơ mộng. Một thời ép lá giữa trang thơ; được vui – buồn – cười – khóc hồn nhiên trong vòng tay thân ái bạn bè. Nhưng làm sao có thể, bởi “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” (Herakleitos), chiếc lá bàng non ngày nào giờ đã úa màu nâu thẫm. Hình ảnh ép lá giữa trang thơ giàu tính tạo hình và gợi cảm, không chỉ nói lên sự trong sáng, đáng yêu của lứa tuổi học trò mà còn chứa đựng một khát vọng lớn lao – sự níu giữ thời gian dù biết là không thể.
Nhân vật trữ tình đang đắm chìm trong mạch cảm xúc hoài niệm. Ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là tiết học của cô giáo dạy văn. Văn học là nhân học – là những bài học làm người. Nhưng bé bỏng quá cô ơi, khi ấy em có hiểu gì đâu! Chỉ khúc khích tiếng cười, len lén chuyền tay nhau gói me dầm cuối lớp. Gửi về cô với lời tri ân hay những lời xin lỗi muộn màng. Lạ lùng thay những trò tinh nghịch rất học trò ấy, rất con gái ấy lại có một sức khái quát lớn lao. Vị chua cay của gói me dầm trong tiết học ngày nào giờ trở thành vị chua cay trên hành trình vào dòng đời xuôi ngược mà chẳng ai học xong, để rồi cứ ám ảnh, cứ quay quắt, cứ da diết nhớ: Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!
Cấu trúc bài thơ chặt chẽ trôi theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Từ hiện tại, nhân vật trữ tình trôi miên man về quá khứ với những kỷ niệm buồn vui về một thời cắp sách. Giấc mơ đứt mạch, nhân vật trữ tình trở về với hiện tại bằng nỗi nhớ khôn nguôi cùng những lời tri ân gửi về cô giáo cũ. Dẫu cho dòng đời xuôi ngược có chua cay, nhưng những bài học của cô ngày nào luôn là hành trang, là giá đỡ tinh thần soi sáng con đường em bước - Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ.
Đặng Quang Sơn