Đến với đảo Trường Sa Lớn, không khó để tìm được nhiều loại sách, báo, tạp chí ngay tại Phòng Hồ Chí Minh, còn gọi là thư viện của đảo. Tại đây, có hơn bốn nghìn đầu sách thuộc nhiều loại: tiểu thuyết, văn học, truyện cười, thơ ca, chuyên khảo, giáo khoa, âm nhạc, hội họa…được sắp xếp ngăn nắp, phân loại, ký hiệu rõ ràng.
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đọc sách tại thư viện của đơn vị.
Bắt gặp ở đó có nhiều cuốn sách với những trang, bìa đã xộc xệch, có nếp gấp; nhiều cuốn sách dường như đã được đọc đi đọc lại nhiều lần như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Những mẫu chuyện về Bác Hồ kính yêu"...
Trung úy Nguyễn Văn Minh, thực hiện nhiệm vụ chính trị trên đảo chia sẻ: Trong những ngày nghỉ, các chiến sĩ thường đến đây để tìm đọc những loại sách mình yêu thích; mỗi khi đến đăng ký mượn đọc thì mỗi chiến sĩ cũng ít nhất từ ba đến bốn cuốn, hàng quý thư viện cập nhật nhiều sách mới từ đất liền gửi ra và ai cũng háo hức mượn về hết sạch.
Đối với các anh, đọc sách không chỉ giúp thư giãn mà còn đem lại nhiều kiến thức bổ ích và kỹ năng cuộc sống. Thật vậy, nhờ đọc sách mà văn phong, ngôn từ của các anh được cải thiện rõ rệt như việc có nhiều bài viết hay, chất lượng khi tham gia viết những mẩu truyện ngắn, trang tâm sự, thơ ca… trong những kỳ sinh hoạt của liên chi đoàn hàng tháng.
Những cuốn sách đã thật sự trở thành người bạn quen thuộc đối với các chiến sĩ Trường Sa và thú vui đọc sách không chỉ giúp các anh trau dồi tri thức mà còn đem lại niềm vui giúp giải khuây phần nào nỗi nhớ nhà khi đang ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Hồ Tấn Hải Minh