- Bà con mình cứ lần lượt, cứ nghe đọc tên thì vào làm thủ tục rồi lấy tiền. Mọi thứ xong hết cả.
- Ai muốn gởi lại để lấy lãi thì ngân hàng sẽ làm thủ tục nhanh cho bà con luôn, anh cán bộ tín dụng cạnh đó tiếp lời.
Ba anh em ông Bình, mỗi người một chỗ, chẳng ai nói với ai câu nào. Hôm nay họ đi nhận tiền đền bù mấy mảnh đất mà cha mẹ họ để lại. Gần vài tỷ bạc nhưng trông họ không vui chút nào! Không phải tiền ít, đất đền bù không thỏa đáng mà chỉ vì việc chia đất chưa đều...! Lần lượt từng gia đình vào làm thủ tục lấy tiền, ai cũng gởi lại ngân hàng chỉ lấy ra một ít về chi tiêu.
Anh cán bộ địa chính đọc to: hộ ông Nguyễn Văn Bổng….Ba anh em ông Bình lần lượt đi vào. Họ chìa ra tờ giấy ủy quyền đồng ý cho ông Bình lấy tiền để sau đó chia nhau.
- Tiền của ba chú là một tỷ chín trăm…Anh cán bộ tín dụng lật tờ giấy tờ kê tiền và chỉ cho họ ký vào.
- Ông Bình hỏi anh cán bộ tín dụng: Tụi tui chia tiền cho nhau, rồi tui gởi lại làm thủ tục sao chú?
- Dạ cái này con sẽ giúp chú, đơn giản thôi ạ!
Rồi lần lượt họ lấy phần tiền của mình, người thì gởi lại người lại mang về. Họ chẳng buồn chào nhau câu nào. Mấy bà vợ đứng bên ngoài có vẻ bồn chồn lắm, mỗi ông ra chỗ mỗi bà to nhỏ gì đó rồi lại lần lượt chở nhau đi. Liếc nhìn nhưng họ trông như xa lạ lắm vậy!
***
Ông Bổng về vùng đất Tân Lập này trước năm 1975, hồi đó ông là người giàu nhất vùng. Làm nghề mộc lâu đời nên ông sắm đủ giàn máy bào, máy cưa không thiếu thứ gì. Cây cối thưa dần, ông chuyển sang làm nghề xay xát gạo. Là người mở ra đầu tiên nên đắt lắm. Sẵn tiền ông mua ba bốn mẫu đất cho mấy người con lớn làm thêm ruộng vườn. Hồi đó hai Bình, tư Sanh chỉ học hết lớp sáu ở nhà phụ gia đình, năm Lượng nhỏ hơn nên học xong 12 rồi theo nghề thú y chăn nuôi. Dù tương đối khá một chút, nhưng ông hai Bổng rất tiết kiệm. Bữa ăn của ông bà cũng chỉ rau mắm, nhiều lúc ra đồng cũng chỉ dưa cà mà thôi. Những năm còn khó khăn, ông nghỉ xay xát, cùng các con quy hoạch trồng trọt chú tâm vào những loại cây có giá trị cao như mía, điều, tiêu và lúa thóc để có gạo đủ ăn trong nhà suốt năm.
Mỗi người con lập gia đình, ông lại chia cho họ một phần đất để làm kế sinh nhai. Ngày đó đất rẻ chẳng ai chú ý giấy tờ làm gì. Mọi thứ đều do ông hai làm chủ hộ cả. Rồi ông hai mắc chứng tai biến nên không làm gì được, con mỗi người một mái ấm chỉ còn hai ông bà với nhau. Ông ra đi để bà ở lại một mình. Nay ốm mai đau, bà gọi hai Bình giao cái nhà có mảnh vườn nhỏ thờ cúng ông bà. Hai Bình chịu nhận nhưng lại ngại chuyện lo cho mẹ già không còn thời gian làm ăn nên ủy thác luôn cho em. Vậy là năm Lượng bất đắc dĩ lắm phải chạy qua chạy lại lo cho mẹ già. Ba anh em mãi lo tiền bạc, làm ăn nên cũng chẳng mấy khi chú tâm lo cho bà mẹ đầy đủ một chút. Rồi bà hai về với ông hai vào một ngày đầu mùa mưa. Dù không thuận thảo với nhau nhưng họ cũng họp lại lo ma chay cho bà cụ. Mọi chuyện trở nên bất hòa khi vùng đất này được quy hoạch làm khu công nghiệp. Đất hai Bình, tư Sanh, năm Lượng đều do ông hai Bổng đứng tên, nếu họ không cùng đồng ý ký tên thì chẳng ai nhận được tiền đền bù. Mảnh vườn cũ do năm Lượng trông coi bây giờ hai người kia cũng đòi chia luôn. Vậy là xích mích càng tăng dẫn đến cãi vã om xòm, nhất là mấy bà vợ. Ngặt nỗi ông hai chia cho mỗi người phần đất không bằng nhau, vì vậy mà chia hoài không xong...!
Đám giỗ ông hai Bổng, nhà cách nhau chỉ hơn vài trăm mét vậy mà anh em họ chẳng ai tới ai, nhà ai nấy cúng. Ông hai là con trưởng nên ngày giỗ ông họ hàng ai cũng muốn đến thắp cho ông nén hương nhưng khổ cái nhà cũ năm Lượng đã dỡ đi rồi. Giờ anh em họ hàng chẳng biết đến nhà ai đây. Thôi thì cũng chia nhau đến nhà từng người con ông một chút nhưng là sự miễn cưỡng.
Buổi chiều, nhà năm Lượng đầy đủ ba anh em họ. Chủ trì cuộc họp, ông Tám Tình là chú ruột của ba người, ông lên tiếng:
- Tao nói vầy, bây giờ ba anh em bay không thỏa thuận được thì chia ba hết. Đất của ba đứa cộng lại chia đều được chưa?
- Dạ con đồng ý, năm Lượng tiếp lời.
- Nhưng chú năm nó chỉ có 8 sào, con tới mẫu hai, chia như vậy sao đặng. Tư Sanh gay gắt!
- Vậy cái vườn cũng chia mà, ông Tám nói tiếp.
- Nhưng tụi con phải giúp cha mẹ lúc còn bao nhiêu là khổ cực, chú năm nó đi học có làm gì cực khổ đâu mà được đều như vậy!
- Chuyện đó không bàn ở đây, chú chỉ chia phần đất mà anh em bay hưởng và theo ý chung thôi. Cái chuyện học hành của thằng năm là ba má bay nuôi, ông Tám làm thêm hồi nữa. Tư Sanh im lặng nhưng vẫn trong lòng khó chịu lắm.
- Phần tui chia luôn cũng được, khỏi nói gì hết. Hai Bình lên tiếng.
- Chú tư mày nói vậy, tao con trưởng mà cũng phải chia đều thì sao! Dù không muốn nhưng hai Bình vẫn đồng ý chia đều, có bị hẹp một chút để không mang tiếng làm anh cả giành nhiều..!
Mấy bà vợ cằn nhằn, không chịu chia ba vì ai cũng nói mình bị thiệt cả. Ông Tám nhắc mấy bà cháu dâu: Tụi bây con dâu nên chưa có quyền, tụi nó thích chia thì làm cho xong... Rồi mạnh bà nào bà nấy bỏ đi. Ông Tám yêu cầu thằng Hùng con hai Bình viết biên bản họp thuận chia tài sản. Dù đồng ý hay miễn cưỡng nhưng rồi họ cũng phải ký vào.
Ông tám Tình bước ra ngõ trên tay cầm tờ biên bản, miệng thở dài: đất đai, miếng ăn sao bạc bẽo quá! Anh Hai tui một đời tằn tiện cho con giờ nó lại giành nhau, sao nghe xót xa.!
Chiều hè, nắng còn khá gay gắt, vùng đất quy hoạch cách khu dân dân cư không xa lắm, đủ thứ âm thanh ồn ào… chủ yếu là tiếng của hàng trăm xe cơ giới đang san lấp mặt bằng. Hơn 50 năm qua, đất này đã nuôi lớn biết bao con người, đất này đang là sự hứa hẹn cho một tương lai tươi sáng đến với một vùng quê. Vùng đất mênh mông kia gắn bó với bao người nông dân một đời vui mừng sướng khổ. Đất là cái quý giá nhất mà đời cha mẹ để lại con cái có kế sinh nhai. Nhưng đất cùng là nỗi buồn hơn thiệt, vì đất mà tình nghĩa anh em phai sờn...
Nguyễn Văn Kỷ