Văn hóa đọc thể hiện thái độ ứng xử, chuẩn mực đọc và giá trị đọc của cộng đồng và mỗi cá nhân trong xã hội bao gồm: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Trước hết cần tạo ra thói quen đọc cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, điều này do ông bà, cha mẹ hướng dẫn. Kỹ năng đọc được rèn luyện trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời. Mục đích của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả, nắm được nội dung cốt lõi và biết vận dụng vào cuộc sống của chính người đọc. Mỗi cá nhân sẽ phát hiện ra sở thích đọc của chính họ, sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể. Có người thích đọc tiểu thuyết, có người lại thích đọc sách khoa học... Chính điều này tạo nên sự phong phú cho văn hoá đọc sách.
Các em học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: Thanh Long
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Những điều mà sách có thể mang lại, đó là phát triển năng lực tư duy, ngôn ngữ và hình thành nhân cách. Giá trị của sách nằm ở khả năng cảm nhận, chọn lọc của mỗi người. Trong cuộc sống hiện nay, tìm một cuốn sách để đọc không khó, nhưng có nhiều người đang rất ngại đọc sách. Vì thời gian biểu của một người, ngoài học tập, làm việc còn có những công việc khác như lên mạng, mua sắm… Các phương tiện nghe nhìn có những lợi thế riêng, tuy nhiên sách vẫn có những tính năng không thể thay thế được. Bởi vì ngoài những đặc tính vật chất, giá trị văn hóa, sách còn có những lợi ích tinh thần.
Điểm qua một số nhà sách ở Tp.Phan Rang – Tháp Chàm như Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ, Fahasa…, đa phần người mua là các em học sinh. Các em đến đây chủ yếu là để mua sách giáo khoa, sách tham khảo, một số em cấp tiểu học thì mua truyện tranh, truyện thiếu nhi… Riêng những quầy sách văn học rất ít thu hút khách. Những gian sách nghiên cứu thì thỉnh thoảng mới có người chọn mua. Tại Thư viện tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 40-50 lượt người đến đọc. Thường thì độc giả đến đây để đọc báo, tạp chí tìm thông tin thời sự và các giáo trình phục vụ học tập. Sách được mượn đem về chủ yếu là các tiểu thuyết văn học nước ngoài, truyện ngắn...
Nhu cầu đọc sách, có thể không phổ biến như trước đây, nhưng vẫn là một nhu cầu rất thực trong mỗi con người mà không bao giờ có thể mất đi. Để văn hóa đọc sách không mất đi giá trị văn hoá truyền thống vốn có của nó, thiết nghĩ hệ thống thư viện công cộng cần phải phát triển hơn nữa về số lượng và chất lượng, nhất là thư viện tỉnh phải tổ chức thường xuyên các cuộc thi kể chuyện sách nhằm xây dựng, phát triển thói quen đọc sách và giáo dục kỹ năng đọc sách. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền giới thiệu, hướng dẫn đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên tổ chức thường xuyên. Điều quan trọng là nhà xuất bản nên xuất bản những quyển sách có chất lượng cao và giá cả phù hợp, có như vậy mới duy trì được thói quen đọc sách của mọi người.
Minh Uyên