Đời sống văn hóa của người Chăm Ninh Thuận chứa đựng nhiều giá trị vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay là một bảo tàng sống sinh động, mang một sắc thái độc đáo, hấp dẫn. Trong đó văn hóa làng và chế độ mẫu hệ là một đặc trưng.
Ảnh: Thanh Long
Gia đình theo dòng tộc mẫu hệ của người Chăm sống trong khuôn viên gia đình nhiều thế hệ. Người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong gia đình, tộc họ theo truyền thống, gắn bó với làng, dòng tộc, gia đình. Vai trò đó thể hiện trong đời sống lao động sản xuất và cả trong đời sống lễ nghi tín ngưỡng. Ngoài việc nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, họ còn tham gia lao động trực tiếp nhiều lĩnh vực sản xuất như chăn nuôi, trồng trọt, làm thuốc nam, nghề thủ công truyền thống (chiếm 80% lao động nữ).
Nghề truyền thống của người Chăm được biết đến rất nhiều nhưng đã mai một như nghề làm nón, làm bánh tráng, làm chiếu, nghề kim hoàn, nghề đúc đồng, điêu khắc… hầu như hoàn toàn không còn lưu truyền nữa. Hiện nay họ chỉ còn lưu giữ nghề làm gốm và nghề dệt là chính. Ngoài ra có một số làng làm nghề thuốc Nam. Cả tỉnh hiện được công nhận chính thức chỉ có 3 làng nghề truyền thống của người Chăm gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm, cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa. Nghề làm gốm cổ truyền Bàu Trúc đang được đệ trình hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nghề dệt thổ cẩm và làm gốm của người Chăm Ninh Thuận mang nét đặc sắc riêng. Nghề dệt thổ cẩm vẫn còn giữ nhiều nét truyền thống, đặc biệt thể hiện những sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn, màu sắc đặc trưng được dệt trên loại khung dệt dài (Jih Dalah) chỉ có ở người Chăm, dệt ra những sản phẩm khổ hẹp dùng trong lễ nghi, tôn giáo. Hoa văn và hoa văn thổ cẩm Chăm là một đề tài phong phú thể hiện bản sắc văn hóa tộc người rõ rệt. Đó là một nền nghệ thuật dân gian độc đáo với óc thẩm mỹ, tư duy đơn giản mà khúc chiết, giàu có, liên quan đến yếu tố tín ngưỡng dân gian và dấu ấn tôn giáo của người Chăm.
Ảnh: Thanh Long
Sản phẩm dệt từ xa xưa dùng phục vụ cuộc sống như làm trang phục, trong đó có trang phục đời thường, trang phục lao động, trang phục lễ hội và đặc biệt là trang phục chức sắc. Mỗi loại trang phục đều có những qui định riêng về qui cách hoa văn, màu sắc và phụ kiện kèm theo. Trong trang phục chức sắc phân biệt hàng giáo phẩm, phẩm trật mỗi tôn giáo và chức sắc dân gian.
Người Chăm làm ra những sản phẩm dùng trong sinh hoạt đời thường và phục vụ nghi lễ; ngoài ra, còn để trao đổi giao thương. Về sản phẩm gốm Chăm Ninh Thuận thì hiện nay ở làng nghề gốm Bàu Trúc còn duy trì phương cách làm gốm có thể nói là cổ xưa nhất vẫn còn lưu giữ đến ngày nay: qui trình sản xuất hoàn toàn thủ công, làm bằng tay và không có bàn xoay và được nung lộ thiên trong thời gian ngắn (chỉ 1 đêm). So với các sản phẩm gốm Chăm cổ thì dòng sản phẩm gốm Bàu Trúc dường như thất truyền nhiều, sản phẩm thô sơ, mộc mạc và ban đầu chỉ sản xuất nhằm phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày. Ngày nay gốm Bàu Trúc phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ được ứng dụng chế tác phong phú hơn phục vụ du lịch và đời sống thẩm mỹ ngày càng cao của đông đảo công chúng trong cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng.
Sản phẩm làng nghề của người Chăm Ninh Thuận ngày nay phát triển phong phú, đa dạng và rất được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt là thị trường du lịch để làm quà tặng, sử dụng trong đời sống hàng ngày, trưng bày mỹ thuật, trang trí nội thất… Nhưng ở đây không chỉ là giá trị sản phẩm hàng hóa thông thường mà là những sản phẩm văn hóa mang bản sắc riêng, là bức thông điệp tộc người có giá trị không gian và thời gian trong quá trình giao lưu và phát triển.
Nguyễn Thị Thu