Chuyện của ông tôi và những người bạn

(NTO) Ông nội tôi năm nay 85 tuổi. Ông sống cùng bà trong một ngôi nhà nhỏ nằm ven sông. Từ nhà tôi, phải đi vào một cái ngõ nhỏ với hai bên là hai rặng tre già, men theo lối mòn ấy mất khoảng 10 phút đi bộ là vào tới nhà ông bà. Từ khi tôi còn nhỏ đã thấy ông hay có 2 người bạn thân thường xuyên tới chơi nhà và lần nào ông và 2 người bạn ấy cũng nói chuyện về một thời tham gia kháng chiến.

Ông và 2 người bạn già vẫn thường ngồi trên một cái phản bằng bê tông được đặt giữa vườn nhãn. Giữa không gian thoáng mát, các ông nói chuyện về chiến tranh, về quá khứ một cách say sưa như chẳng còn vương vấn gì tới hiện tại.

 
Ảnh: Minh họa

Có lần tôi thấy ông kể về một trận đánh mà trong trận đó, người bạn thân nhất trong quân ngũ của ông đã hy sinh, đêm hôm ấy trở về, ông đã khóc “thút thít như một đứa trẻ” vì “nhớ bạn”; rồi cả câu chuyện về niềm vui mỗi lần nhận được thư người thân ngoài trận địa; ông cũng hay nhắc về mấy người bạn trong làng nhập ngũ cùng đợt với ông, mỗi người một đơn vị nhưng có những khi tình cờ gặp nhau trên đường hành quân, bạn bè lại vui mừng phấn khởi trao nhau chiếc ôm thật chặt hay cái vỗ vai chân tình và cùng hy vọng về một ngày đất nước được độc lập... Ông và 2 người bạn của mình liên tục hoán đổi vị trí Người nghe- Người kể chuyện. Nhưng ai cũng vậy, ở vị trí Người kể chuyện thì hào hứng và say mê, còn ở vị trí Người nghe thì gật gù, tán thưởng. Bà tôi thường phàn nàn rằng: “Một tuần 2 buổi gặp mặt, vẫn những người bạn ấy, vẫn những câu chuyện ấy được các ông ấy kể đi kể lại khiến bà thuộc lòng từ bao nhiêu năm nay rồi. Thế mà các ông ấy nói đi nói lại như là chuyện mới vậy, đến lạ! Có lần nói chuyện quá bữa ăn, bà phải dục mãi các ông ấy mới dứt được câu chuyện ra đấy.”

Hồi bé, chuyện về ông và 2 người bạn, tôi cho là lạ, cũng thắc mắc nhưng thường bỏ ngỏ vì không thể lý giải được. Sau này trưởng thành hơn, trải nghiệm nhiều hơn, tôi đã tìm ra một sự lý giải của riêng mình.

Diện mạo cuộc chiến không chỉ được nhìn theo con mắt của số đông mà đã có những “con người tự thân” nhìn chiến tranh theo những nhận thức và ám ảnh của riêng họ. Ông và 2 người bạn cũng vậy, có thể thấy, trong dòng ý thức của họ có hai mảng màu khác nhau. Thứ nhất là mảng màu u tối, chói gắt của máu, lửa, đạn bom, xe tăng, hỏa tiễn… của những trận mưa lớn, của bóng đêm, không gian xám, của những cảnh tượng nhòe mờ hư ảo, thậm chí cả những tiếng gọi hồn. Sau nữa, tưởng chừng như đối lập với sắc màu âm u đó, là gam màu sáng của những vạt nắng, những niềm vui đến từ hậu phương, những khoảng sáng, mà khoảng sáng trong trẻo nhất là vẻ đẹp toát ra từ lòng yêu nước, sự sẵn sàng hy sinh, quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Sự đan xen của hai mảng màu ký ức ấy tuồng như chính là sự song hành tồn tại giữa một bên hung tàn, vô độ, hủy diệt sự sống – một bên thiêng liêng, tha thiết, khởi nguồn cho sự sống; một bên là đạn bom chết chóc – một bên là tình yêu Tổ quốc, dẫu nhiều lần bị dập vùi, song vẫn vẹn nguyên, thuần khiết.

Tôi có cảm giác như ký ức của ông, của 2 người bạn ông là ký ức của cả một thế hệ, một thời đại và một dân tộc. Ở một góc độ nào đó, ký ức chứa đựng trong mình những trầm tích văn hóa – lịch sử của dân tộc. Ký ức là nghĩa vụ của lương tâm, nghĩa vụ trước sự thật đời sống, là sợi dây nối liền giữa các thế hệ và các thời đại.

Đã một thời gian đi làm xa mà không có điều kiện trở về thăm ông, tối qua tôi điện thoại về cho bà và nghe bà kể: “Ông và 2 ông bạn làng bây giờ ít nói chuyện cũ rồi con ạ. Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 gì gì đó mà xâm phạm tới chủ quyền Việt Nam, các ông ấy lại suốt ngày xem thời sự và bình luận về việc ấy. Các ông ấy còn bảo vinh dự lớn nhất là được bảo vệ Tổ quốc mà giờ các ông ấy sắp “gần đất, xa trời” rồi nên đành chịu”. Kết thúc cuộc nói chuyện với bà, tôi cứ miên man theo suy nghĩ. Khi vận mệnh dân tộc đứng trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm, thì mạch ngầm yêu nước của những người lính xưa như thế hệ ông tôi sẽ từ ký ức mà ngược chiều quay trở về với hiện tại và hướng tới tương lai để đập chung nhịp đập với trái tim của biết bao con người thế hệ mới, để hiên ngang đối mặt với thách thức mới.