Chỉ nghe đến thế thôi, cả lớp nhỏ đã rất háo hức, cứ nghĩ việc làm của mình sẽ có thêm sức mạnh để các chú “chắc hơn tay súng”, là bạn nào cũng muốn viết thư thật nhanh.
Mang theo những lời dặn của cô giáo và trí tưởng tượng về những chú bộ đội nơi “đảo xa”, nhỏ háo hức nhảy chân sáo về nhà, bắt đầu quan sát xung quanh, để mang những hình ảnh của quê hương mình vào lá thư gửi cho các chú. Với những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ của một cô bé học sinh lớp 3, nhỏ tả thật chi tiết cho các chú biết về con đường đất dẫn vào làng, về mùi thơm lúa mới, rơm rạ… làm lũ nhỏ không khỏi hít hà thích thú mỗi mùa gặt về, những cánh diều được chắp nối từ giấy vụn mà nhỏ và tụi bạn tự tay thiết kế tung bay giữa trời cao… Chưa hết, nhỏ còn mời các chú bội đội về thăm trường nếu có dịp và… “luôn tiện sửa giúp lớp 3A của chúng cháu cánh cửa sổ đã bung lề để mỗi khi trời mưa không bị tạt và chiếc ghế dài cuối lớp đã gãy một bên chân thỉnh thoảng làm các bạn té ngã”!
Một tuần sau, lá thư của nhỏ cùng với 29 bức thư khác của các thành viên trong lớp được cô giáo cẩn thận cho vào một phong bì lớn. Cả lớp háo hức chờ đợi, mong ngóng… Một tuần, một tháng, hai tháng… rồi đến khi năm học kết thúc, lớp nhỏ cũng như học sinh của cả trường, không có hồi âm nào của các chú bộ đội. Thỉnh thoảng một vài bạn trong lớp nhắc đến, cô giáo chỉ mỉm cười giải thích “vì các chú còn bận làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, để chúng ta được học tập tốt hơn nên chưa thể viết thư trả lời đó thôi”.
Rồi mùa hè trôi qua. Năm học mới bắt đầu. Lên lớp 4, lớp nhỏ được chuyển vào học ở ngôi trường mới xây, khang trang, sạch đẹp hơn. Cả lớp dường như cũng không còn ai nhớ và nhắc đến những lá thư đã gửi các chú bộ đội từ năm học trước nữa. Bỗng! Một buổi sáng mùa thu, nắng vàng reo trên những khe cửa, lớp nhỏ được cô hiệu trưởng thông báo có “khách” đến thăm. Cả lớp nhao nhao nhìn về phía cửa lớp… Một chú bộ đội hải quân xuất hiện. Chú từ từ bước vào, đứng giữa lớp và giơ tay làm động tác chào! “Hôm nay, chú thay mặt đơn vị về thăm các cháu, cảm ơn các cháu đã gửi thư động viên, cổ vũ cho các chú. Ở ngoài đảo xa, những lá thư của các cháu, là món quà lớn và có ý nghĩa nhất mà các chú được nhận…”. Rồi chú gọi lần lượt tên của mỗi bạn trong lớp đứng lên để chú phát kẹo. Bạn nào cũng được chú xoa đầu, hỏi tên và động viên bằng một câu nói thật hóm hỉnh. Đến lượt nhỏ, vừa nghe thấy tên, chú bộ đội dừng lại một lúc, mỉm cười lấy trong túi ra chiếc phong thư có dòng chữ nắn nót ghi tên nhỏ “Chú là người đọc được lá thư này của cháu, những gì cháu kể về quê hương mình khiến chú không thể không tò mò và ao ước một lần được về thăm. À, hôm nay chú có đem theo cả “đồ nghề” để lắp lại cửa sổ và sửa chân ghế cho lớp cháu đây”!
Cô giáo và các bạn trong lớp ai nấy đều ngỡ ngàng. Riêng nhỏ, mặt chín đỏ vì ngượng nhưng miệng vẫn lí nhí: “Dạ, dạ… thưa chú! Lớp cháu có phòng học và bàn ghế mới rồi ạ!”. Chú bộ đội hải quân xoa đầu nhỏ hỏi tiếp: “Thế, nếu được nhận quà từ đảo, cháu muốn được nhận quà gì nhất?” – nhỏ nhìn lên bộ quân phục chú đang mặc rồi trả lời ngay: “Dạ, thưa chú! Cháu muốn có một chiếc áo hải quân như thế này ạ!
Không cần suy nghĩ, chú bộ đội đã hứa với nhỏ ngay sau khi trở ra đảo, sẽ gửi về tặng nhỏ một chiếc áo hải quân – là đồng phục của các bạn học sinh ở huyện đảo Trường Sa. Không lâu sau, nhỏ đã nhận được món quà mình ao ước - món quà quý giá mà nhỏ vẫn luôn nâng niu, cất giữ cẩn thận cho đến tận bây giờ.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, chiếc áo – món quà đặc biệt của chú bộ đội hải quân dành tặng đã luôn đồng hành cùng nhỏ trên mọi chặng đường. Chiếc áo vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận, nhắc nhở nhỏ phải luôn nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương, như lời tri ân sâu sắc về các chú bộ đội đang ngày đêm canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhật Nam