Cây me mọc tự nhiên ở khắp mọi nơi trong làng, tạo bóng mát cho lũ trẻ con nghịch ngợm tha hồ vui chơi. Những buổi trưa nắng nóng oi bức, cây me được người dân nơi đây ví như “máy điều hòa không khí thiên nhiên”, thổi từng cơn gió nhẹ làm mát xóm làng.
Ảnh minh họa.
Vào mùa me, từng chùm me non nặng trĩu quả rung rinh trước gió, bọn trẻ con chúng tôi thích thú xúm lại lấy sào khều me cây cùng với chén mắm ruốc trên tay. Vị chua của me non ăn với vị đậm đà, hơi cay cay của mắm ruốc thì rất tuyệt vời. Ở vùng đất nghèo đó, còn nổi tiếng món canh chua cá thóc, chỉ vài lá me non, một đầu cá ngừ hay vài con cá thóc cùng vài lát ớt cũng làm nên món canh chua vô cùng đặc biệt mà bất kỳ ai khi đã ăn sẽ nhớ mãi hương vị đó…
Cứ vào mùa me chín, nhà nào cũng thau to, thau nhỏ ngồi lột me. Những nông dân bỗng trở thành thợ trèo cây tài giỏi. Họ như những “con sóc” nhanh nhẹn trèo hết cành này sang cành khác, đôi bàn tay thoăn thoắt hái từng chùm me cho vào giỏ. Ông Ngô Mạnh, ở thôn Phú Thủy cho biết: Gia đình tui có 10 cây me trồng ven theo bờ rẫy, mỗi năm thu được 8 tạ trái chín. Lấy công làm lời, tự hái và tự lột vỏ rồi đem bán nên thu được 8 triệu đồng có thêm chi tiêu trong những tháng khô hạn.
Mùa me chín ở Mỹ Sơn còn tạo việc làm cho các cụ già có hoàn cảnh khó khăn. Cụ bà Trần Thị Tâm, 85 tuổi, ở thôn Phú Thủy tâm sự: Tui ở tuổi này không làm được việc nặng, hàng ngày đi hái rau tập tàng về đưa ra chợ bán nhưng chỉ được 20.000 đồng. Khi đến mùa me, tui đi lột me cho bà con thôn xóm được 50.000- 70.000 đồng/ngày.
Cây me không tốn nhiều công chăm sóc, bà con trồng quanh nhà tạo bóng mát, nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở xã Mỹ Sơn…
Ngọc Hiển