Tuy bận rộn với công việc mưu sinh nhưng các nghệ nhân Thiện Đức, Ngọc Hưởng, Thanh Tâm, Ngọc Trường, Ngọc Hà… hăng hái ráp nhịp dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân lão thành Văn Hai. Giọng ca, nhịp đờn ngọt ngào của các nghệ nhân Ninh Thuận góp phần tạo nên sân chơi độc đáo của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Ninh Thuận là địa phương “địa đầu” về phía Bắc của 21 tỉnh, thành phố vừa được UNESCO vinh danh bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhạc sĩ Hoài Sơn, Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, ngành Văn hóa tỉnh ta chưa có công trình khoa học xác định lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử trên vùng đất Ninh Thuận. Tuy nhiên qua khảo sát bước đầu của giới chuyên môn cho thấy sinh hoạt nhạc lễ trong đời sống nhân dân thời khẩn hoang lập ấp đã đặt nền móng cho nghệ thuật đờn ca tài tử Ninh Thuận ngày nay. Đặc biệt quá trình giao lưu văn hóa với đông đảo nghệ sĩ các đoàn cải lương Nam Bộ đã đưa lời ca tiếng đờn nhạc cụ truyền thống lan tỏa trong đời sống dân cư. Ở Phan Rang đã từng có đoàn cải lương mang tên Sông Dinh lưu diễn khắp các vùng quê trong tỉnh được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Hình thức biểu diễn bài bản đờn ca tài tử Ninh Thuận thống nhất với cách chơi của các nghệ nhân Nam Bộ mang đậm sắc thái phóng khoáng, tao nhã, hào hoa.
Nghệ nhân Lưu Quang Chanh, 80 tuổi, ở làng Chăm Hiếu Lễ (Phước Hậu, Ninh Phước) hơn 60 năm gắn bó đờn ca tài tử.
Theo nghệ nhân Văn Hai, 77 tuổi, ở phường Đạo Long cho biết: “Tui đam mê nghệ thuật đờn ca hồi mới 16 tuổi tới nay hơn 60 năm rồi. Những người truyền dạy các ngón đờn bài bản cho tui nếu còn sống cũng đã cả trăm tuổi. Có thể nói nghệ thuật đờn ca cổ truyền dân tộc đi vào đời sống người dân Phan Rang từ lâu đời”. Nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành “món ăn” trong đời sống tinh thần của nhân dân các vùng miền. Ở xã Phước Hậu, thuộc huyện Ninh Phước cách đây hơn nửa thế kỷ đã từng có soạn giả Phú Bình Trung, dân tộc Chăm, nghệ danh Chế Hồ Lưu. Hai vợ chồng ông sáng lập đoàn cải lương mang tên Phú Bình Trung nổi tiếng khu vực miền Trung. Nghệ nhân Lưu Quang Chanh, 80 tuổi, ở làng Chăm Hiếu Lễ chơi sành điệu đờn kìm chia sẻ: “Thân sinh của tui là ông Lưu Quang Ngọc, ở làng Phước Đồng đam mê đờn ca tài tử. Ông truyền lửa yêu thích bộ môn nghệ thuật này cho anh em tui đờn ca vui chơi với ruộng vườn, thôn xóm suốt 60 năm qua”. Người em thứ chín của ông Chanh là nghệ nhân Lưu Quang Kiệt, 62 tuổi, thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử Ninh Thuận. Hôm chúng tôi tới thăm, anh Kiệt vừa chơi ghi ta phím lõm vừa ca rất mùi các bài bản tổ điệu Bắc như Lưu thủy trường, Tây thi, Cổ bản vắn…
Tác giả bài viết này thực sự ấn tượng khi được ngồi chung chiếu với các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh trong đêm giao lưu điểm hẹn đờn ca tài tử tại sân nhà cố nghệ nhân Hữu Tâm, ở làng An Thạnh, xã An Hải. Cứ vào đêm mười sáu âm lịch hàng tháng, các nghệ nhân yêu thích bộ môn đờn ca tài tử từ Bình Thuận ra, từ Khánh Hòa vô hòa nhịp đờn, lời ca với các nghệ nhân Ninh Thuận.
Anh Nguyễn Văn Cầu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, Câu lạc bộ đờn ca tài tử Ninh Thuận được thành lập đi vào hoạt động từ tháng 7-2001 đến nay với gần 50 hội viên. Ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm có nhiều nhóm đờn ca tài tử sinh hoạt định kỳ 1-2 lần/tháng. Hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trung tâm dự kiến tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Ninh Thuận lần thứ nhất diễn ra vào dịp chào mừng 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Nghệ nhân Thiện Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử chia sẻ: “Anh chị em trong câu lạc bộ đang nỗ lực luyện tập chương trình tham gia Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I- Bạc Liêu 2014. Chương trình gồm các tiết mục: Hòa tấu bài Lưu thủy trường, độc tấu đờn kìm bài Long đăng, hòa ca theo điệu Tứ đại oán, ca ra bộ theo điệu Liên nam…”.
Phượng Vĩ