Lũ chim sẻ chắc là trong phố được dịp tụ về đây khá đông. Chúng ríu rít kiếm mồi, trò chuyện, kết đôi, nô đùa. Cứ ngồi nhìn chúng “sinh hoạt” hàng giờ không biết chán. Mấy cháu học trò của ngôi trường gần đó mỗi lần về học cũng đứng lại thích thú trầm trồ. Có cháu nghịch tay ném cục đất làm lũ chim sợ hãi bay táo tác. Những lúc ấy ông bạn tôi giận lắm nhưng vẫn ôn tồn giảng cho các cháu hiểu là nên biết yêu thương những con vật bé nhỏ, biết bảo vệ thiên nhiên,…Tôi thầm nghĩ ông bạn tôi “lên lớp” đâu thua gì các thầy giáo dạy bảo vệ môi trường. Cả tôi và ông bạn đều muốn sao cho “sân chơi” còn lâu dài cho lũ sẻ còn được thỏa thích tung tăng bay nhảy. Nhớ ngày xưa dưới quê suốt ngày chúng tôi chỉ biết chơi với chim chóc, con chó con mèo chứ làm gì có tivi, trò chơi điện tử hay internet như bây giờ. Giờ gặp lại bầy chim sẻ như gặp lại tuổi thơ. Mừng lắm, bồi hồi nữa chứ.
Khu phố nhỏ nơi tôi ở cũng có cây xanh nhưng không nhiều. Chim chóc ngày một hiếm đi đã đành mà với chúng, đất phố đã trở thành “đất dữ”.
Chợt nhớ có lần cách đây vài năm, đang giữa trưa oi bức, ghé ghế đá công viên trước cổng bệnh viện chưa kịp hóng mát, chưa kịp thư thả đã nặng lòng trước bao khuôn mặt âu lo của thân nhân người bệnh, “người đau như mình đau”, vậy mà bỗng nghe “rẹt” một cái, chú chim sẻ rớt ngay trước mặt. Chưa kịp phản ứng vì cảnh chú chim nhỏ bị thương chưa kịp rỏ máu đang giãy giụa trối chết, ngẩng lên đã thấy một thanh niên xách khẩu súng hơi đi tới thu chiến lợi phẩm với vẻ mặt mãn nguyện. Tôi quay mặt nơi khác với ý nghĩ nếu có ai đó làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ kiểu: “Bạn nghĩ gì khi vừa hạ được chú chim nhỏ?”. Trả lời ngay: “Tôi rất vui vì vừa khám phá chính mình”. Nghĩa là anh ta vừa phát hiện ra trong người mình còn có một tài năng thiên phú, tài bắn chim sẻ. Bắn chim cũng là để “giải trí” chứ ăn nhậu gì cục thịt chưa bằng ngón tay cái?
Lại nhớ câu chuyện của một người bạn Việt kiều. Anh kể rằng ở xứ người, trong những kỹ năng sống mà người ta dạy cho trẻ con có cả những hành vi bảo vệ thiên nhiên như khi cứu một cây bị héo, hay gãy đổ cần phải làm gì hoặc khi thấy rác là dây nhợ, bao bì đan kết chằng chịt với nhau thì phải biết cắt vụn ra kẻo thú nhỏ hoặc chim chóc vướng cánh, mắc chân. Có lần anh đang cắt tỉa lại bờ cây trong vườn nhà thì thằng bé con anh cản lại với lý do là trong vòm cây kia đang có tổ chim, cháu bé xin ba đợi đến ngày chim non biết bay mới làm tiếp.
Trở lại câu chuyện bầy chim sẻ trên kia. Niềm vui của chúng tôi cùng lũ trẻ mới được dăm hôm thì có người đến giăng lưới. Người đàn ông còn trẻ nhưng có vẻ lam lũ và chuyên nghiệp. Anh bảo ruộng vườn “mùa đực, mùa cái”(mùa được, mùa thất). Không đủ nuôi con nên phải biến kế sinh nhai.
Tôi chạnh lòng nhìn lũ chim nhỏ đang dồn ép nhau trong chiếc lòng nhỏ, chật chội, bâng quơ hỏi một câu vô nghĩa: “Chim sẻ này ở đâu mà về đây vậy cà?”. “Dạ, ở trong ngôi trường kia bay ra”.
Anh trả lời một cách vô tư nhưng lũ học trò đứng xem thì thắc mắc: sao người lớn này thì dạy mình đừng ném chim, phải biết bảo vệ thiên nhiên còn người lớn kia thì tha hồ giăng bẫy. Tại sao?
Bùi Diệp