Khi ý thức được cuộc sống xung quanh, tôi thấy mình được bảo bọc, nâng niu trong vòng tay mẹ như một hòn ngọc quý. Mẹ luôn để mắt đến từng bước chân tôi đi, đỡ tôi dậy bất cứ khi nào tôi vấp ngã. Không sao nhớ hết bao lần tôi thấy ánh mắt mẹ xót xa, nhòe nước vì những vết trầy xước, bầm tím hay rướm máu trên tay chân tôi mỗi khi trượt ngã.
Mẹ sinh em trai kế mãi khi tôi đã lên 8 tuổi, dù ông bà nội ngoại lẫn các cô chú trong nhà đều mong mẹ sinh sớm để sau này còn có người đỡ đần công việc. Mẹ không sinh em sớm vì muốn tình thương lẫn sự chăm sóc dành cho tôi. Mẹ sợ với đôi cánh không cứng cáp, tôi sẽ chẳng thể bay nổi vào cuộc đời trăm muôn ngàn lối. Tôi biết hạnh phúc của mẹ là mỗi khi tôi nhảy chân sáo trở về nhà sau mỗi đợt tổng kết năm học, trên tay là tấm giấy khen cùng phần thưởng là mấy cuốn vở trắng mới tinh. Tôi biết niềm vui của mẹ là khi nhìn thấy tôi ngày càng một vững vàng đi giữa dòng người và dòng đời, như bao con người bình thường khác.
Mẹ ít khi dành cho chị em tôi những lời yêu thương, âu yếm. Nhưng tôi biết, sau những phiền trách, cáu gắt hay la mắng là cả một tình yêu thương vô bờ bến.
Mẹ chưa có được một ngày thảnh thơi thực sự từ khi có chị em tôi. Một ngày của mẹ bắt đầu với cái bếp lò than ngun ngút khói, với cái sân nhà đầy lá rụng, rồi đàn cừu đói giẫm móng kêu la trong chuồng…Vòng quay một ngày của mẹ trôi qua từ nhà ra rẫy, rồi lại từ rẫy về nhà…Bao nhiêu năm trong cuộc đời mình, tôi thấy mẹ duy nhất một đoạn đường quen thuộc, cũ mòn cũ vẹt ấy.
Cảnh nhà khó khăn nên những vất vả ngày qua ngày dần bào mòn cơ thể mẹ. Mẹ ít cười. Mẹ hay giấu ba mua một tờ vé số sau mỗi lần đi chợ. “Biết đâu trời phật thương cho trúng số. Có tiền, mẹ cho mày chữa bệnh, cho thằng Ba học lên thẳng đại học, còn lại cho ba mày đi Sài Gòn chơi một chuyến cho biết với người ta... Biết đâu được, con!”- Tối nào ngồi chờ dò dùm kết quả xổ số, mẹ cũng đều tâm tâm niệm niệm mỗi một câu tôi thuộc nằm lòng.
Cho đến bây giờ các em trai tôi vẫn còn hay ca cẩm mẹ phí tiền chi với mấy tờ vé số, người ta mua cả lốc, cả lô còn không trúng, nói chi đến mình có mỗi một tờ. Tôi lại nghĩ khác… Tôi không nghĩ mẹ đang phí tiền để mua những tờ giấy mỏng manh “sáng mua, chiều xổ, tối xé”. Đó là mẹ đang mua một ước mơ. Dù mơ ước ấy chỉ toàn là cho cha con tôi.
Tôi là một kẻ khá tham lam. Tôi có rất nhiều mơ ước. Nhưng nếu có bà Tiên nào đó xuất hiện giữa cuộc sống bộn bề này và chỉ cho tôi được một điều ước mà thôi. Thì chắc chắn, tôi sẽ không ngần ngại mà nói với bà rằng:
“Thưa bà Tiên! Con xin bà cho mẹ con một lần được mơ ước cho chính mẹ!”…
Nguyễn Thị Kim Hòa