1. Quảng trường về đêm khuya... khi mọi hoạt động vui chơi, ẩm thực, giải khát, giải trí đã ngừng hoạt động cũng là lúc nó sảng khoái tận hưởng những hương vị cuộc sống mà chỉ riêng nó cảm nhận. Tai nạn giao thông đã cướp mất những người thân trong gia đình. Dòng đời ngang trái đắng cay đã khiến nó trở thành đứa bé mồ côi, lang thang khắp nẻo tìm cách sinh tồn. Nó may mắn được một chủ đại lý vé số tạo cho nó một nghề đủ nuôi thân qua ngày và nó dừng bước ở phố thị này.
Tình cảnh ấy đến với nó thật tình cờ khi hôm ấy nó không còn mua nổi ổ bánh mỳ lót dạ qua đêm. Nó chán chường, mệt mỏi ngồi trước một căn nhà. Vừa lúc, ông chủ đại lý vé số, chủ nhà quay về với một túi thức ăn. Bà chủ nhà đón chồng, niềm nở và hờn mát:
- Hôm nay anh về muộn quá. Cả nhà đợi cơm không nổi. Hai đứa nhỏ vừa đi học thêm..
Người chồng như nhận lỗi:
- Ờ! anh em đại lý rủ nhau ăn tươi một bữa. Có vé số lô độc đắc về tỉnh mình. Anh có đem thức ăn...
Người vợ cười nhận túi thức ăn vừa trách:
- Cả nhà no rồi...
Nó bước vào nhà như có một sức mạnh vô hình, thúc bách, dồn đẩy. Nó bật nói như người ta bật mở băng ghi âm:
- Dạ...Thưa cô chú, con đói quá. Cho con xin...
Nó không ngờ, vợ chồng ấy vui, tốt bụng đến như vậy. Họ cho nó ăn tử tế. Họ thăm hỏi và cho nó lãnh bán vé số. Nó dừng bước ở phố thị này như thế!
Quen dần, vợ chồng chủ đại lý vé số có ý cho nó tá túc trong nhà. Nó cảm ơn và xin được tiếp tục trú ngụ một nơi mà khi nó nói ra, vợ chồng ấy đều bật cười khen nó “con thông minh lắm”. Thông minh hay khờ dại nó chưa để ý, chưa quan tâm. Nó chỉ biết hằng đêm ngủ dưới tượng đài quảng trường là nó bỗng dưng trở thành khách và chủ của một “khách sạn ngàn sao”... Khi thành phố vào đêm, mọi nhà đã khép cửa, mọi sinh hoạt tạm ngừng là lúc nó tận hưởng cảm giác “người chủ” dưới chân tượng đài ở quảng trường này. Lang thang, nay đây mai đó cho đến khi nó tìm được nơi trú này cũng là lúc nó thụ hưởng một không gian yên tĩnh, trang nghiêm. Dù vỏn vẹn hơn bốn tiếng đồng hồ mỗi đêm nhưng nó tự cho mình là chủ nhân “hoàn hảo” khi mỗi mình nó nhìn ngắm quảng trường, phố thị.
2. Như có sức mạnh vô hình trợ giúp, nó có thêm nghề nuôi sống khi hằng đêm được làm chân chạy bàn cho một chủ quán “cơ động”ở quảng trường. Mỗi đêm nó được chủ quán trả công hai chục ngàn. Nhận chân chạy bàn cũng tình cảnh, tình cờ như khi nhận chân bán vé số. Hôm ấy, nó tự thưởng một chai bia 50 với một tô nước xương hầm và hai ổ bánh mỳ. Đang nhâm nhi thưởng thức, cố ra vẻ làm người lớn thì khách đến. Chủ quán luôn miệng gọi phục vụ nhưng chẳng ai lên tiếng. Nó vội vã bưng bê kê dọn cứ như người phục vụ. Đến khi tàn cuộc, chủ quán mới nhận ra và sau một hồi trò chuyện, nó đồng ý làm chân chạy bàn mà lòng vui khôn xiết. Nhiều lúc một mình dưới chân tượng đài, nghiệm lại chính mình nó vui vui nhớ đến một câu nói mà nó nghe rất nhiều người bàn luận “ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy tất cả của ai”. Nó học đến lớp bảy rồi đứt đoạn bởi nạn tai, nó thấy câu nói ấy hay hay, đúng đúng. Rồi nó được một cơ sở tôn giáo ở phố thị này nhận vào học miễn phí cho đến hết lớp chín. Cuộc đời nó đã chuyển sang trang mới rồi chăng?
3. Tình cờ nó biết được một nhóm thanh niên cá độ, đua xe, trộm cướp. Hôm ấy, quán vắng, đêm khuya. Nhóm thanh niên đến quán...
- Bà chủ! Có gì ngon mang hết cho bọn này!
Chủ quán ngần ngừ rồi bảo nó ráng thêm một tí để phục vụ. Nó biết đích xác những cái tên “ Thạch đầu bò”, “Sơn cua đinh”, “Sơn đại ca”, “Dớn xế”, “Thung chích”, “Hùng đại nhân”...và cũng thật tình cờ khi nhà vợ chồng chủ đại lý vé số bị cậy khóa, mất mô-tô, mất năm cây vàng chắt chiu dành dụm. Khi cảnh sát đến làm việc, nó cung cấp những gì nó biết, nó nghe câu chuyện của nhóm “ Sơn đại ca” và “Hùng đại nhân”. Nó vui khi cảnh sát mời nó đến cùng vợ, chồng chủ đại lý vé số nhận lại những gì đã mất. Nhưng... nó chột dạ khi các anh cảnh sát hỏi nó “em ở đâu để tụi anh ghi vào giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh tặng cho em”. Nó ấp úng, lúng túng. Người chủ đại lý vé số vô tình “thưa các anh, em nó không nhà cửa, nó ngủ ở dưới tượng đài quảng trường thành phố” ... Nó thót tim, tưởng chừng như đất lở. Nhưng nó lại thấy nhẹ nhõm khi các anh cảnh sát nói: “À! thì ra em trú tại “khách sạn ngàn sao” ”... Nó không ngờ các anh cảnh sát cũng gọi nơi đó là “khách sạn ngàn sao”. Chưa kịp vui thì các anh cảnh sát đã căn dặn: “Em ở đó nhớ giữ vệ sinh cho sạch đẹp, đừng phá phách gì nhé”. Ôi! Nó nhảy nhong nhong vì quá vui. Nó không nói ra lời nhưng trong lòng lại nghĩ: “Các anh ơi! Hằng đêm em đã quét dọn sạch lắm, nhất là nơi em nằm. Còn nữa, những bao bì, rác rưởi phế thải trong khu vực đó em đều gom lại; cái nào đưa đến điểm thu mua phế liệu thì em không từ chối; cái nào bỏ ra thì em gom vào một mối. Em vẫn tình nguyện, âm thầm làm việc ấy”. Hôm sau, nó vui hơn khi tờ giấy khen ghi nơi cư trú của nó là Tổ dân phố X, Khu phố Y, Thành phố thân yêu của nó. Đêm ấy nó thắp nén nhang và thấy các vị trên tượng đài như nhìn nó, cười “con ngoan lắm”...
Phạm Văn A