Khi đất nghèo “nở” niềm vui
Một ngày giữa tháng 12, chúng tôi có dịp đến thôn Suối Đá (xã Phước Tiến, Bác Ái) để tham quan trực tiếp các mô hình cây cao su mà công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến đang trồng thí điểm. Mặc dù đã được nghe anh Trần Anh Vũ, giám đốc công ty giới thiệu sơ qua nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước những vườn cao su thẳng tấp đang phủ xanh hàng trăm hecta đất rừng nghèo nghiệt ngày nào.
Chăm sóc cây giống cao su. Ảnh: Văn Miên
Anh Vũ cho biết: “Diện tích thí điểm cao su trên lâm phần của đơn vị hiện đã lên gần 400 ha, các mô hình từ 1 năm tuổi đến 5 năm tuổi đều có, một điều đáng mừng nhất chính là chiều cao phát triển trung bình và đường kính thân cây các loại từ 2 năm tuổi trở lên bình quân đều đã vượt so với tiêu chuẩn của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam”. Không mừng sao được, bởi theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa phần diện tích trên địa bàn huyện Bác Ái đều là đất rừng nghèo kiệt, khó khăn trong sản xuất. Riêng tại khu vực thôn Suối Đá, xã Phước Tiến đây là khu vực loại đất hạng 3, chủ yếu sỏi đá không thể canh tác sản xuất và rất khó trồng cải tạo các loại cây rừng. Từ chủ trương trồng cây cao su để cải tạo rừng nghèo, đất nông nghiệp bị hoang hóa, nhằm từng bước tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2008 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến đã mạnh dạn thí điểm 11ha cây cao su tại tiểu khu 58a, hồi hộp theo dõi kiểm tra về mức sinh trưởng của cây từng ngày và kết quả sau 6 tháng thí điểm, cây cao su đã phát triển ngoài mong đợi, tỷ lệ sống đạt 99%. Từ đó đến nay đơn vị mạnh dạn mở rộng diện tích, liên doanh kết hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh nâng diện tích trên toàn lâm phần lên hàng trăm hecta. Ngoài ra, qua theo dõi biết được mô hình này, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bác Ái bước đầu cũng đã mạnh dạn xây dựng mô hình cao su “tiểu điền” trên vùng đất sản xuất của mình. Điển hình như hộ ông Hoàng Xuân Mai, ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), sau khi tham khảo mô hình của Công ty Tân Tiến, từ năm 2009, ông Mai đã mạnh dạn ươm trồng thí điểm gần 5ha cao su, qua thời gian theo dõi thấy cây sinh trưởng phát triển tốt ông tiếp tục mạnh dạn mở rộng lên đến 12ha.
Chờ những “ hy vọng xanh”
Trước những dấu hiệu khả quan về cây cao su được thí điểm trên vùng đất nghèo xã Phước Tiến, hơn 5 năm qua, các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã hợp tác đầu từ cùng một số doanh nghiệp trồng thí điểm và mở rộng được diện tích cây cao su lên đến gần 1.000ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Bác Ái và Ninh Sơn.
Cây cao su đã cho khai thác mủ tại rừng trồng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến
Theo định hướng, dự kiến tỉnh ta sẽ quy hoạch phát triển cây cao su đến cuối năm 2020, với diện tích lên đến hơn 24.000 ha. Ông Phạm Thiều, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết, thực tế vào năm 1994 tại xã Phước Bình (huyện Bác Ái), tỉnh ta đã triển khai thí điểm trồng một số diện tích nhỏ cây cao su giống mắt ghép PB-235 của Braxin với mật độ khoảng 476 cây/ha. Tuy nhiên, thời điểm đó việc trồng cây cao su chưa được quan tâm chăm sóc nên hiện nay số lượng cây chỉ còn lại khoảng vài chục. Trên cơ sở số cây cao su còn lại tại xã Phước Bình với mức tuổi khoảng 18 năm, các đơn vị chức năng đã tiến hành cạo lấy mủ theo dõi trên 20 cây trong vòng 18 ngày và gửi Tổng Công ty Cao su Đồng Nai nhờ kiểm nghiệm đánh giá chất lượng. Kết quả phân tích cho thấy, mủ cao su tại Phước Bình có tổng hàm lượng cao su khô (DRC) là 38,01%, hàm lượng chất rắn (TSC) là 35,99%. Các hàm lượng này đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so với hàm lượng cao su khô trồng tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ từ 2,55 - 9,32%. Về năng suất mủ, trên cơ sở bình quân mỗi cây thu được 55,02 gam/cây/lần cạo và qua theo dõi đối chiếu với một số giống cùng loại ướt đạt khoảng 2.093kg/mủ khô/ha/năm. Ông Thiều nhận định: “Việc kiểm tra mủ từ cây cao su trồng tại xã Phước Bình cho chất lượng cao có ý nghĩa rất lớn về mặt giá trị kinh tế và với những kết quả khả quan từ tỷ lệ sống, sinh trưởng tốt của những diện tích cao su đang được thí điểm trên địa bàn hai huyện Ninh Sơn, Bác Ái cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng và đầy triển vọng khi đưa cây cao su vào trồng cải hóa các diện tích rừng nghèo trên địa bàn tỉnh ta hiện nay”.
Có thể nói, những tín hiệu lạc quan bước đầu trong việc triển khai thí điểm cây cao su đang mở ra rất nhiều triển vọng cho mục tiêu “xanh hóa” rừng nghèo của tỉnh ta. Không chỉ góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường…việc cải tạo thành công các diện tích rừng nghèo sản xuất lâu nay sẽ tạo được công ăn việc làm lâu dài cho người lao động, góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con Raglai, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội ngày một đi lên. Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái bộc bạch: “Sự thành công bước đầu của cây cao su trên đất rừng nghèo Bác Ái đang mở ra nhiều triển vọng mới cho đồng bào nơi đây, hy vọng tương lai không xa, những cánh rừng cao su sẽ cải thiện rõ nét đời sống của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương”
Nguyễn Sơn