Liên kết để phát triển
Chúng tôi về thăm vùng trọng điểm trồng lúa Phước Hậu, huyện Ninh Phước vào những ngày áp Tết Giáp Ngọ. Trên những cánh đồng, bà con nông dân đang khẩn trương vào vụ sản xuất đông-xuân. Gặp lại chúng tôi, anh Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (Phước Hậu, Ninh Phước) tay bắt mặt mừng: Kể từ khi HTX vận động các hộ xã viên “dồn điền” hình thành “cánh đồng mẫu lớn”, nông dân hưởng được rất nhiều cái lợi, đặc biệt chi phí các khâu dịch vụ đều giảm. Cụ thể, như thủy lợi phí đã giảm 100.000 đồng/ha, công làm đất giảm 200.000 đồng/ha và công thu hoạch giảm 200.000 đồng/ha, nhờ đó thu nhập của bà con đã được nâng lên đáng kể.
Cánh đồng bông vải Nha Hố. Ảnh: Thanh Long
Chuyện xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” ở vùng lúa Phước Hậu, bắt đầu từ vụ lúa đông - xuân năm 2010 – 2011, khi HTX Trường Thọ phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện thành công mô hình thí điểm “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa. Từ 1 ha trình diễn ban đầu, đến nay mô hình được nhân rộng trên diện tích gần 100 ha, tạo thành “cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên ở tỉnh ta. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu cho biết: Cùng xứ đồng và diện tích đó, nhưng do trước đây bà con sản xuất manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nên việc chăm sóc và theo nước cũng gặp rất khó khăn. Nhưng từ khi 262 hộ dân trong thôn, cùng nhau liên kết thành “cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất thì mọi chi phí sản xuất đều giảm. Đặc biệt, hiện HTX đang đưa vào sử dụng 12 máy sạ hàng, mỗi ha giảm được 100kg lúa giống. Chi phí đầu tư giảm, nhưng năng suất lúa tăng khá cao, bình quân đạt từ 70 – 80 tạ/ha, cá biệt có vụ lên đến 90 tạ/ha, tăng gần 2 lần so với sản xuất truyền thống. Sau khi trừ chi phí, tính ra trên 1 ha lúa năm sản xuất một năm 3 vụ lúa, mỗi hộ xã viên thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng.
Nông dân canh tác cánh đồng mẫu lớn giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài mô hình “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa ở thôn Trường Thọ, hiện nay ở thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, diêm dân làm muối cũng đã hình thành được “cánh đồng muối mẫu lớn”. Dù chỉ có 8 thành viên tham gia, nhưng đây là mô hình cánh đồng muối tập thể đầu tiên trong xã Tri Hải. Chị Nguyễn Thị Tân, tổ trưởng mô hình “cánh đồng muối mẫu lớn” cho biết: Tháng 2-2012, mô hình chính thức được hình thành với tên gọi Tổ hợp tác sản xuất muối Hiệp Phát. Phương thức hoạt động của mô hình cũng rất đơn giản dựa trên hợp đồng hợp tác “góp ruộng muối” và hợp nhất dây chuyền công nghệ sản xuất. Với cách làm này, đến nay Tổ hợp tác Sản xuất muối Hiệp Phát đã mở rộng đồng muối của mình lên 8 ha, trong đó có 2ha đã được cải tạo để sản xuất muối kết tinh trên nền bạt nhựa, nhờ đó sản lượng muối luôn đạt khá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2013, doanh thu từ cánh đồng muối đạt khoảng 2,5 tỷ đồng.
“Kích hoạt” nền nông nghiệp chất lượng cao
Không phải ngẫu nhiên mà những lần về thăm và làm việc tại tỉnh ta, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp. Đề cập như vậy để thấy, trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay, các địa phương đã bắt đầu chú trọng đến việc quy hoạch ruộng đồng và bố trí cây trồng phù hợp theo từng loại đất, khắc phục dần việc độc canh cây lúa, từng bước hướng đến hình thành các vùng chuyên canh cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao. Ngoài những mô hình như trồng lúa giống, bắp giống, nho, rau an toàn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, gần đây bà con nông dân còn triển khai các mô hình mới như trồng táo, măng tây xanh rất hiệu quả, trong đó mô hình trồng táo đã cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân đầu tư thâm canh cây táo cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm, bảo đảm đời sống no ấm.
Ảnh: Sơn Ngọc
Với mục tiêu huy động tốt nhất các nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng nền nông nghiệp chất lượng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện quy hoạch phát triển ngành Nông - Lâm - Thủy sản của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020. Qua sàng lọc, ngành Nông nghiệp đã chọn ra 8 loại cây trồng chính đó là: Lúa, bắp, mì, mía, thuốc lá, nho, táo và cây cao su để có chính sách đầu tư, hướng đến hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tạo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: Đa số ruộng đất của tỉnh ta còn quá manh mún, số hộ nông dân có diện tích đất lớn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dẫn đến việc thực hiện cơ giới hóa trong các khâu còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, trước mắt trong năm 2014, ngành sẽ tập trung tái cơ cấu lại sản xuất bằng việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, ngành sẽ vận động bà con dồn điền đổi thửa, hướng đến xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn”. Cách làm này ngoài việc tăng diện tích từng thửa ruộng, giảm tỷ lệ bờ bao, còn tạo điều kiện để người nông dân và doanh nghiệp xích lại gần nhau hỗ trợ, chia sẻ cho nhau để cùng phát triển.
Một giải pháp quan trọng nữa mà ngành cũng tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là triển khai khảo nghiệm các giống lúa mới, giống mãng cầu Israel và 3 giống nho mới (2 giống nho ăn tươi, 1 giống nho sấy khô) để chuyển giao cho bà con, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng đạt trên 62 triệu đồng/ha. Đặc biệt, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ngoài việc ưu tiên vốn cải tạo, nâng cấp Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ lên 10.000 tấn sản phẩm/năm, Nhà máy Đường Phan Rang công suất ép lên 1.500 tấn mía cây/ngày, ngành sẽ kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy mới về chế biến nông sản tại các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, đưa tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt 6,5%/năm, GDP ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 20% GDP toàn tỉnh.
Văn Thanh