Đồng hành cùng nông dân

(NTO) Bà con nông dân ngày càng ý thức hơn trong thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đề nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống. Có được kết quả đó, phải kể đến một phần không nhỏ của tổ chức Hội Nông dân suốt thời gian qua đã làm tốt vai trò tập hợp, vận động, sát cánh cùng nông dân trong phát triển sản xuất.

Sát cánh cùng nhà nông

Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp theo chân anh Trương Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Bắc đi kiểm tra tình hình thực hiện một số mô hình tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là hộ anh Mang Thanh Hồng, chủ Dự án Nuôi bò vỗ béo, mô hình do Hội Nông dân và Dự án Hỗ trợ Tam nông phối hợp thực hiện, tại thôn Xóm Bằng từ tháng 9-2013. Toàn thôn có 5 hộ tham gia dự án.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm
trong sản xuất rau an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn miên

Mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò giống lai Pha, 10 bao thức ăn tinh, vật liệu xây dựng chuồng nuôi. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật vỗ béo bò theo phương pháp bán công nghiệp, cho bò ăn thêm cám và đường, nên đến nay toàn bộ số bò phát triển rất tốt. Bò lúc mới nhận về có giá khoảng 12 triệu đồng/con, nhưng đến nay, nếu bán ra chắn chắn sẽ không dưới 15 triệu đồng. Anh Mang Thanh Hồng chia sẽ: “Không chỉ được hỗ trợ chi phí, kỹ thuật sản xuất, điều khiến bà con hết sức phấn khởi đó là sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức Hội. Trong suốt quá trình triển khai dự án, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, cán bộ Hội của huyện, cơ sở xuống để theo dõi, kiểm tra, vận động bà con chúng tôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời khuyến khích bà con nhân rộng mô hình. Chính vì vậy, đến nay, không chỉ những hộ tham gia dự án mà còn có nhiều bà con khác đã tìm hiểu và vỗ béo đàn bò theo phương pháp mới này”.

Anh Trương Văn Trung cho biết thêm: Chỉ tính riêng năm 2013, Hội Nông dân huyện đã trực tiếp thực hiện 7 mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Đặc biệt đối với xã Bắc Sơn, do đây là xã nghèo, nên càng được Hội và chính quyền địa phương, các ngành quan tâm. Ngoài Dự án Vỗ béo đàn bò ở thôn Xóm Bằng, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ cho 16 hộ nông dân thôn Bỉnh Nghĩa tổng số tiền 300 triệu đồng triển khai mô hình sản xuất giống lúa TH6. Mô hình này đã giúp cho bà con tăng đáng kể năng suất, sản lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Rời Xóm Bằng, chúng tôi tiếp tục đến thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước) để tham quan mô hình Tưới nước tiết kiệm của bà con nơi đây. Trên những cánh đồng hoa màu rộng lớn, bà con đang tất bật, bận rộn chăm sóc cây trồng vụ Tết. Anh Nguyễn Văn Siêng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết: “Do không chủ động được nguồn nước tưới, nên việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện mô hình Tưới nước tiết kiệm của Hội Nông dân và tổ chức iDE hướng dẫn, bà con mình mở rộng diện tích đất sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, đời sống cải thiện đáng kể”. Khoảng 3 năm trước, Nam Cương được ví như một tiểu sa mạc, gió cát khô cằn thì nay phần lớn diện tích ở đây đã được phủ một màu xanh của các loại cây màu như đậu phộng, cà rốt, củ cải…

Anh Mang Thanh Hồng, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) với mô hình nuôi bò vỗ béo.

Theo đánh giá, thông qua mô hình tưới nước tiết kiệm của iDE, mỗi vụ, bà con có thể tiết kiệm 30-35 công tưới nước; 3-4 công bơm thuốc, bón phân, 20-30% lượng thuốc bảo vệ thực vật; 4,5-5 triệu đồng chi phí đầu tư, như năng suất cây trồng tăng từ 20-40%, cá biệt có hộ tăng 50-70%, thu nhập tăng từ 5-7 triệu đồng/ha/vụ so với phương thức canh tác truyền thống. Với những ưu điểm trên, hiện nay, mô hình tưới nước tiết kiệm đã vươn ra đến 31 xã, phường trên toàn tỉnh, trên 1.350 hộ tham gia với tổng diện tích gần 300 ha. Riêng đối với xã An Hải, thời gian đầu, chỉ có 9 hộ triển khai, đến nay toàn xã đã có 432 hộ tự đầu tư lắp đặt với tổng diện tích đất sản xuất gần 140 ha, với hai phương thức tưới chủ yếu là phun mưa và nhỏ giọt, tưới hầu hết trên tất cả các loại cây từ rau màu ngắn ngày như hành đỏ, hành tây, cà rốt, cà chua, củ cải… các loại cây ăn trái như táo, thanh long, nho…

Ngoài tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ vốn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng sản xuất. Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay với tổng số tiền trên 631 tỷ đồng. Từ quỹ Hỗ trợ Nông dân, Hội còn đứng ra tín chấp cho bà con vay tổng số vốn gần 7,4 tỷ đồng thực hiện 26 dự án sản xuất nông nghiệp.

Ở đâu có nông dân, ở đó có tổ chức Hội

Với những việc làm thiết thực, Hội Nông dân tỉnh nhà đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, tạo niềm tin đối với tầng lớp nông dân. Chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao; tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Chỉ tính riêng năm 2013, các cấp Hội đã kết nạp gần 4.000 hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh 72.526 hội viên, đạt tỷ lệ 93,1% so với hộ nông nghiệp và đạt 47,1% so với lao động nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động về cơ sở, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động hội viên, nông dân nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, vì quyền, lợi ích chính đáng, đời sống của bà con nông dân. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có tổ chức Hội”, năm 2014, Hội phấn đấu kết nạp 3.000 hội viên mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình, xứng đáng là bạn đồng hành của nhà nông trong tiến trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.