Tuy nhiên, trên thực tế không đơn giản chút nào. Chỉ tính trong 9 tháng của năm nay, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mặc dù đã thường xuyên tổ chức trên 160 đợt họp dân tuyên truyền về các chính sách bảo vệ rừng với trên 14.300 lượt người tham gia nhưng... chưa chuyển được “lượng” thành “chất”! Cụ thể là rừng vẫn tiếp tục bị tác động với đối tượng phá rừng không đâu xa mà trong đó có không ít người dân địa phương.
Lực lượng bảo vệ rừng Trạm Ma Nới thường xuyên tuần tra thu giữ lâm sản khai thác trái phép.
Ảnh: Sơn Ngọc
Theo thống kê, 9 tháng vừa qua ngành chức năng đã phát hiện trên 700 vụ vi phạm, kết quả đã xử lý trên 650 vụ, tịch thu 5 xe bò, 187 xe máy, 22 phương tiện khác cùng trên 450 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 3,7 tỷ đồng… Thực ra, đây chỉ là con số bề nổi mà thôi.
Theo đánh giá chung, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, có lúc, có nơi đã trở thành điểm nóng, nhất là khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Đầu tiên phải đề cập đến đó là do các đơn vị chủ rừng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa làm tròn chức trách trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Thêm vào đó nhiều vụ vi phạm chưa được phát hiện, một số vụ phát hiện nhưng chậm có biện pháp xử lý kiên quyết, còn để kéo dài… Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là chưa quy được trách nhiệm cụ thể đối với các “chủ rừng”, cũng như chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”!...
Để khắc phục tình trạng trên một cách có hiệu quả, vừa qua UBND tỉnh đã có Chỉ thị “về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo”. Theo đó, xác định cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành liên quan cũng như nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Cũng theo tinh thần Chỉ thị, yêu cầu tất cả các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng phải được các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ để nghiêm trị đối tượng vi phạm và quy kết rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật đối với đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan. Riêng các đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Khi để rừng bị phá, bị cháy mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại về rừng và bị xử lý trách nhiệm theo quy định. Chỉ thị còn yêu cầu ngành Kiểm lâm kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn gỗ bất hợp pháp đưa ra các xưởng chế biến, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm…
Theo chúng tôi, bằng quyết tâm cao của tỉnh chưa đủ mà còn phải có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền sở tại và “tai mắt” của nhân dân địa phương thì mới có thể tạo được những chuyển biến mới trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hạ Huyền