Hành tím là cây trồng truyền thống ở đây, đang thực sự đem lại thu nhập cao cho nông dân. Rất nhiều hộ sau một thời gian “gắn bó” với loại cây này, giờ đã có nhà xây khang trang. Chỉ có 3 sào đất trồng hành tím mỗi năm 3 vụ đã cho gia đình anh Nguyễn Hữu Cần ở thôn Mỹ Tường 1 thu nhập 90 triệu đồng/năm. Gần đây giá hành lên cao 30.000 đồng/kg đã giúp anh có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, nuôi con ăn học.
Anh Trần Văn Trại ở thôn Khánh Nhơn 1 (Nhơn Hải) giàu lên nhờ trồng cây hành tím.
Còn anh Trần Văn Trại ở thôn Khánh Nhơn 1, trồng hành tím giống cho thu nhập cao hơn. Hiện anh đang duy trì sản xuất 4 sào hành tím giống, thu nhập mỗi năm gần 150 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu từ trồng hành tím giống, gia đình anh đã cất được căn nhà rộng gần 200m2, chu cấp cho 3 đứa con đang theo học đại học ở TP. Hồ Chí Minh mỗi tháng 7 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Khắc Hòa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Trồng hành tím cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích. Trước đây hành tím được trồng tập trung chủ yếu ở thôn Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2, nay phát triển rộng ra các thôn Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2. Hiện cây hành tím là cây chủ lực ở địa phương với diện tích 250 ha, dự kiến sẽ tăng lên 300 ha trong năm tới. Dăm năm trở về trước mức sống của các hộ dân ở Nhơn Hải thấp hơn so với bà con khu vực lân cận, nhưng nhờ trồng hành tím có đầu ra ổn định mà số hộ nghèo giảm dần, hộ khá giàu tăng. Toàn xã có 3.300 hộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 5,4%, nay xuống còn 4,7%, đạt tiêu chí nông thôn mới. Chỉ riêng vụ hành tím hè - thu vừa qua, tổng sản lượng đạt gần 5.000 tấn, không ít hộ thu về hàng trăm triệu đồng.
Chỉ có đất pha cát nhiễm mặn ven biển như ở Nhơn Hải mới trồng được những củ hành tím to, chắc, thơm nồng, đặc biệt là để giống không bị thối. Nhưng trước đây do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, nên hộ trồng hành tím chỉ mong kiếm được ít tiền trang trải hằng ngày. Gần đây, giá cả ổn định, hộ trồng hành tím đầu tư cây giống tốt, nắm vững kỹ thuật canh tác nên năng suất đạt cao, mỗi sào thu trên 2 tấn là chuyện thường. Cây hành tím đang thực sự hồi sinh và phát triển, bà con nông dân có xu hướng chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng hành tím.
Đồng chí Phạm Khắc Hòa, cho biết thêm: Cây hành tím phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, chủ trương của xã là chỉ sản xuất trong vòng 300 ha chứ không mở rộng thêm vì gặp khó khăn về nước tưới. Trên địa bàn xã chỉ có mỗi công trình thủy lợi hồ Ông Kinh đủ nước tưới cho 25 ha nho, hàng trăm hécta đất sản xuất còn lại là khai thác từ nguồn nước ngầm. Những năm hạn hán, thường xảy ra tình trạng hàng chục hécta hành chết do thiếu nước. Trước thực tế khó khăn đó, UBND xã đã khuyến cáo nông dân tổ chức lại sản xuất cho hợp lý; trong đó, tập trung vào trồng vụ hành tím chính (vụ Bấc từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), hai vụ còn lại trong năm thu hẹp diện tích, chỉ sản xuất ở những khu vực có nguồn nước ngầm dồi dào, chất đất tươi xốp ở thôn Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2. Cùng với đó là tổ chức cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi một số diện tích trồng hành tím thương phẩm sang trồng hành giống để tăng giá trị trên đơn vị sản xuất. Ưu điểm hành giống sản xuất ở Nhơn Hải là tỷ lệ nảy mầm cao trên 95%, củ to, thơm nồng, màu sắc đẹp nên được nông dân trong và ngoài tỉnh tìm mua với giá cao, thời điểm hiện nay là 50.000 đồng/kg.
Ở nơi đất sản xuất hạn hẹp như xã Nhơn Hải, chỉ có canh tác loại cây có giá trị kinh tế cao mới đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo bền vững. Và thực tế, nông dân ở đây đang khá giàu lên nhờ trồng cây hành tím.
Anh Tùng