Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của các cấp, xã đã tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Trong đó, chú trọng mô hình “liên kết 4 nhà”, tức là có sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng đối với các cây trồng chủ lực, đặc biệt là trên cây bắp thương phẩm và bắp giống. Qua đánh giá, thu nhập của các hộ hợp đồng liên kết sản xuất bắp giống, bắp thương phẩm tăng 20-40% so với việc sản xuất manh mún như trước đây.
Nông dân Phước Vinh hợp đồng với Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Minh Trí
trồng bắp lấy cây, cho giá trị kinh tế cao.
Trong quá trình thực hiện “liên kết 4 nhà”, điều đáng nói ở Phước Vinh là sự chủ động của cấp ủy Đảng, chính quyền trong vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn lối canh tác phù hợp theo mùa vụ cho cây bắp. Với cách làm: Vụ đông-xuân thời tiết thuận lợi cho cây trồng, xã khuyến khích nông dân hợp đồng trồng bắp lai giống với Công ty Cổ phần CP và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố; còn các vụ khác trong năm, nông dân canh tác bắp thương phẩm lấy hạt hoặc bán cây cho Nhà máy chế biến thức ăn gia súc đóng chân trên địa bàn.
Được biết, vụ đông-xuân 2013, toàn xã có gần 350 ha bắp lai giống, nông dân hợp đồng với Công ty Cổ phần CP và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố. Sau thu hoạch, phía doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, với giá trung bình 8.300 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng so với giá bắp thương phẩm tại thời điểm đó. Với năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, ước tính nông dân Phước Vinh lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Mới đây, nhà máy chế biến thức ăn gia súc do Công ty TNHH TM Minh Trí đầu tư đi vào hoạt động (tháng 7-2013) đã hợp đồng với nông dân trồng bắp thương phẩm. Cũng đi theo hướng “liên kết 4 nhà” áp dụng trên bắp lấy cây, doanh nghiệp Minh Trí nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân với các khâu: đầu tư giống, kỹ thuật, đầu tư vốn để người dân sản xuất và thu mua 100% sản phẩm với giá ổn định.
Là một hộ trồng bắp liên kết với nhà máy, nông dân Nguyễn Văn Tâm (thôn Phước An 1) cho biết: Lâu nay, chúng tôi trồng bắp lấy hạt là chủ yếu. Bán cho lái buôn theo giá thị trường luôn bị ép giá. Từ khi xã có tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo “liên kết 4 nhà”, tôi đã chuyển từ trồng bắp thương phẩm sang bắp lai giống trong vụ đông-xuân. Vụ hè-thu này, tôi hợp đồng với Nhà máy chế biến thức ăn gia súc trồng 6 sào bắp lấy cây, với giá thu mua 800 đồng/kg, tôi thu được 24 triệu đồng trong thời gian canh tác chỉ 75 ngày, vừa giảm chi phí đầu tư, công chăm sóc; vừa tăng vụ được sản xuất và lãi cao hơn so với trồng bắp lấy hạt.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Minh Trí cho biết: Nguồn nguyên liệu ở Phước Vinh tương đối ổn định chính là lý do công ty đầu tư nhà máy chế biến thức ăn gia súc từ cây bắp tại địa phương. Hiện nay, sản phẩm thức ăn gia súc làm từ cây bắp lên men của công ty đã được xuất bán tại thị trường trong và ngoài nước nên “đầu ra” tương đối ổn định. Do đó, nhu cầu nguyên liệu của nhà máy là khá lớn. Mỗi ngày, nhà máy thu trung bình 2ha bắp của nông dân. Chúng tôi mong rằng, chính quyền địa phương sẽ có hướng chỉ đạo sản xuất để nông dân mở rộng diện tích hợp đồng với công ty, vừa đảm bảo nhà máy hoạt động liên tục, vừa tạo nguồn thu cho nông dân. Ngoài ra, với công suất xử lý 100 tấn nguyên liệu/ngày nên ngoài việc thu mua cây bắp liên tục với giá ổn định, nhà máy còn tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương ở các khâu thu mua, vận chuyển và vận hành sản xuất với mức lương từ 3-4 triệu đồng/ người/tháng. Riêng đối với nông dân chăn nuôi gia súc ở địa phương, công ty xuất xưởng với giá hỗ trợ 1.250 đồng/kg thức ăn thành phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề chăn nuôi gia súc theo hướng vỗ béo.
Lợi ích của mô hình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất bắp đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế của người dân Phước Vinh. Phát huy thế mạnh và kết quả đạt được, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Vinh chủ trương tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Trong quy hoạch xây dựng Nông thôn mới của địa phương, xã Phước Vinh đã đưa cây bắp vào nhóm cây trồng chủ lực, có vùng sản xuất trọng điểm với quy mô 1.000ha. Đây là hướng đi phù hợp, mang tính ổn định và bền vững cho địa phương khi thực hiện “liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
Diễm My