Tác động từ đường nội đồng suối Tà Ranh đi Sông Quao ở thôn Như Bình

(NTO) Về xã Phước Thái (Ninh Phước) vào mùa lúa này, hình ảnh gây ấn tượng cho chúng tôi chính là con đường nội đồng từ suối Tà Ranh đi sông Quao thuộc thôn Như Bình vừa hoàn thành. Đối với nông dân địa phương cả 2 thôn Như Bình và Như Ngọc, con đường là niềm mơ ước bấy lâu đã trở thành hiện thực. Từ con đường này, các phương tiện cơ giới như máy cày, máy gặt đập, xe tải nhẹ có thể vào sâu các cánh đồng lúa rộng hàng trăm ha để cày ải, thu hoạch và vận chuyển lúa, phân bón, vật tư nông nghiệp.

Theo anh Nguyễn Văn Luận, cán bộ tư vấn của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công trình nâng cấp đường này nằm trong hợp phần hỗ trợ một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ cuối tháng 10 năm ngoái, Ban quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã lập gói thầu xây lắp công trình nâng cấp đường nội đồng từ suối Tà Ranh đi sông Quao, với tổng kinh phí dự toán trên 4,8 tỷ đồng. Đây là công trình đường giao thông cấp 4, có tổng chiều dài cả tuyến 2,24 km, có qui mô thiết kế bề rộng nền đường 5 m, mặt đường rộng 3,5 m với kết cấu bê-tông xi măng dẫn từ đường chính của thôn Như Bình đến cánh đồng sản xuất lúa. Công trình hoàn thành đã tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân địa phương.

 
Đường giao thông nội đồng từ suối Tà Ranh đi Sông Quao.

Đường giao thông từ suối Tà Ranh đi sông Quao được phân ra làm 2 đoạn, đoạn đầu từ suối Tà Ranh giáp đường vào liên xã (Phước Hậu – Phước Thái – Phước Hữu) và đoạn tiếp theo bắt đầu từ đường liên xã kết nối vào cánh đồng sản xuất của thôn Như Bình và Như Ngọc của xã Phước Thái đến sông Quao. Do vị trí đặc biệt ấy, tuyến đường này là tuyến lưu thông quan trọng từ khu sản xuất tập trung về chợ Như Bình và chợ đầu mối ở Phú Quý (Ninh Phước) thông qua mạng lưới đường liên xã. Sự đầu tư nâng cấp con đường đã góp phần giải quyết việc vận chuyển vật tư hàng hóa, nông sản cho diện tích 184 ha đất nông nghiệp của gần 615 hộ dân, tạo tiền đề nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong số các hộ hưởng lợi trên, có 61 % là dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Chăm). Nhìn tổng quan, công trình đã khắc phục được tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém trước kia gây ra, góp phần tăng năng suất và hiệu quả mạng lưới tiêu thụ bằng cách giảm tổn thất sau thu hoạch. Cụ thể giúp giảm thời gian vận chuyển từ 4km/h xuống còn 15km/h và giảm tổn thất sau thu hoạch trung bình từ 10% xuống còn 1%.

Anh Quảng Đại Luyến, Chủ nhiệm HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Như Bình cho biết: Ngoài triển vọng kết nối hoàn chỉnh với hạ tầng nông nghiệp, công trình nâng cấp đường nội đồng từ suối Tà Ranh đi sông Quao còn nhắm tới các mục tiêu kinh tế, xã hội khác như: Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, cải thiện được môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Phước Thái là một xã trọng điểm trồng lúa có thế mạnh về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, vì vậy theo chúng tôi, từ con đường này, bên cạnh các phương tiện cơ cơ giới đi lại nhộn nhịp, sẽ có nhiều mô hình sản xuất mới triển khai đạt hiệu quả và các tiến bộ khoa học- kỹ thuật được ứng dụng triệt để hơn. Đặc biệt, con đường còn đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo định hướng xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn quốc gia của xã Phước Thái.