Tuy nhiên, những năm gần đây, người trồng hành ở Thanh Hải nói riêng và huyện Ninh Hải nói chung đang gặp không ít khó khăn về nguồn giống, kỹ thuật canh tác, nhất là thiếu thông tin sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng sản phẩm hạn chế.
Xuất phát từ thực tế đó, từ năm 2012, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình “Sử dụng chế phẩm EMINA để quản lý bệnh hại, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng phân bón lá RQ cho cây hành, tỏi” (Mô hình) trên địa bàn xã Thanh Hải. Chế phẩm vi sinh vật hữu cơ EMINA là tập hợp khoảng 80 loài vi sinh vật có ích sống cộng sinh trong môi trường. Các nhóm vi sinh vật này có thể giúp tăng cường đa dạng vi sinh vật đất, bổ sung vào môi trường tự nhiên các vi sinh vật có ích, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường. Phân bón lá RQ có thành phần các chất dinh dưỡng đa lượng, trung và vi lượng ở dạng dễ tiêu, giúp cây trồng phát huy tối đa khả năng hấp thụ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tiết kiệm đáng kể lượng phân bón qua đất. Mục tiêu của mô hình là giúp giảm lượng thuốc trừ bệnh có nguồn gốc hóa học, hướng dẫn nông dân sản xuất hành, tỏi theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng và năng suất, từ đó, nâng cao giá trị kinh tế và thương hiệu cho cây hành, tỏi Ninh Thuận nói chung.
Nông dân Thanh Hải làm đất chuẩn bị cho vụ hành Đông Xuân.
Ông Phạm Thành Phước, cán bộ Khuyến nông-Khuyến ngư xã Thanh Hải, cho biết: Ngay khi họp triển khai mô hình, bà con trong xã rất đồng tình hưởng ứng. Vụ đông-xuân năm 2012, toàn xã có 124 hộ gia đình đăng ký tham gia với tổng diện tích 28 ha. “Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nguồn giống được hỗ trợ tốt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên bà con tiết kiệm được chi phí sản xuất; hành, tỏi trồng theo mô hình có năng suất cao hơn phương pháp trồng truyền thống. Điều quan trọng, mô hình đã và đang từng bước giúp bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, đưa người nông dân dần có ý thức sản xuất có lề lối, khuôn khổ” – Ông Phước chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Minh, thôn Mỹ Hiệp, là một trong những hộ gia đình tham gia mô hình cho biết, nhà có 2,5 sào đất trồng hành, tỏi, tham gia mô hình, ông được hỗ trợ 100% giống, một phần vật tư, phân bón và thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Vụ hành đầu tiên sản xuất theo mô hình, gia đình ông đạt năng suất 9 tạ/sào, tăng khoảng 15% so với phương pháp sản xuất truyền thống; hành đẹp và chất lượng, được thương lái ưa chuộng hơn.
Sau vụ đầu tiên sản xuất theo mô hình, năng suất cây hành và tỏi đều tăng hơn so với phương pháp truyền thống. Việc sử dụng chế phẩm EMINA và phân bón lá RQ giúp hành, tỏi phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh gây hại từ giai đoạn cây con đến giai đoạn thu hoạch. Năng suất hành, tỏi trồng theo mô hình tăng từ 15-30% so với phương pháp truyền thống. Điều quan trọng, liều lượng và số lần sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh trên cây hành, tỏi khi trồng theo mô hình được giảm rõ rệt. Đối với cây hành giảm 17,8% và cây tỏi là 13%, ở giai đoạn cuối vụ khi trồng theo mô hình, nông dân không phải phun thuốc trừ sâu bệnh. Vì vậy, bà con có thể tiết kiệm được một phần chi phí, giảm độc hại, ô nhiễm môi trường và góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Hiệu quả của mô hình đã thấy rõ và 124 hộ nông dân ở Thanh Hải vẫn đang tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, trăn trở của nông dân là làm thế nào để tạo được thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bởi hiện nay, dù hành, tỏi được sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng… thì giá bán vẫn chỉ bằng hành, tỏi sản xuất theo phương pháp truyền thống. Điều này rất dễ khiến người nông dân quay lại với phương pháp sản xuất cũ khi thời gian thí điểm mô hình kết thúc, không còn được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất.
Nhật Quỳnh