NHÌN LẠI 9 THÁNG NĂM 2013

Ngành Nông nghiệp góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh

(NTO) Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2013, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đối mặt với không ít khó khăn, đầu năm nắng nóng kéo dài làm nguồn nước ở các hồ đập cạn kiệt, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh đã ảnh hưởng đến sản xuất.

Song do tập trung thực hiện tốt các giải pháp điều hành sản xuất, nên kết thúc nhiệm vụ 9 tháng, kinh tế nông nghiệp nông thôn tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành tăng 8,4%, trong đó riêng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh.

Thu hoạch bắp ở Ninh Sơn.Ảnh: Văn Miên

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp các địa phương chỉ đạo rốt ráo việc xây dựng kế hoạch cụ thể trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, đề ra các giải pháp đồng bộ để tập trung sản xuất đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng, điều tiết nước hợp lý. Đặc biệt, với việc hoàn thành đưa vào sử dụng mới các công trình thủy lợi như: Sông Biêu, Lanh Ra, Bà Râu, Phước Trung, với tổng dung tích tăng thêm trên 40 triệu m3 nước đã góp phần nâng cao năng lực hệ thống tưới, đưa tổng diện tích gieo trồng đạt 53.567 ha. Trong đó, vụ đông – xuân gieo trồng đạt 23.050 ha, vượt 2,8% kế hoạch, năng suất cây lúa tăng thêm 1,7 tạ/ha; vụ hè – thu gieo trồng đạt 30.517 ha, vượt 14,5% so với kế hoạch.

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong 9 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm nổi bật. Trong chỉ số tăng trưởng chung của ngành, ngoại trừ khu vực chăn nuôi giảm 2,8% do đầu năm xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và chi phí vật tư đầu vào tăng cao, còn lại các lĩnh vực như trồng trọt tăng 9,5% và dịch vụ nông nghiệp tăng 5,1%. Đặc biệt, trong nội bộ ngành, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch đúng hướng. Nhiều địa phương, nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, tích cực chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như nho, táo, xoài cho năng suất và chất lượng khá cao. Tính đến cuối tháng 9-2013, toàn tỉnh có trên 720 ha cây nho, trong đó diện tích cho sản phẩm 697 ha, tăng 99 ha so cùng kỳ năm 2012, năng suất bình quân đạt 200tạ/ha, cao hơn 2,3tạ/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 13.605 tấn, tăng 15,1%. Cây xoài, diện tích đang cho sản phẩm khoảng 448ha, tăng 4,4%, sản lượng thu hoạch ước đạt 6.589 tấn, tăng 2,5% và cây táo diện tích hiện có 1.099 ha, tăng 80 ha, diện tích cho sản phẩm 983 ha, tăng 217 ha, sản lượng thu hoạch 32.513 tấn, tăng 56,6% so với cùng kỳ.

Phát triển chăn nuôi cừu.

Đối với chăn nuôi, nhờ thực hiện tốt công tác lai tạo đàn và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng ngừa dịch bệnh, nên số lượng và chất lượng đàn phát triển tương đối ổn định.

Kết quả đạt được là vậy, nhưng nếu nhìn về hướng phát triển lâu dài rõ ràng kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta vẫn còn không ít những bất cập. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi dù đã chuyển dịch đúng hướng nhưng còn rất chậm. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, nên sức cạnh tranh các loại hàng hóa nông sản còn thấp, đầu ra còn thiếu ổn định... Một yếu tố khó có thể lạc quan nữa, đó là trong các tháng cuối năm 2013, giá vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng, sản xuất vụ mùa còn tiềm ẩn nhiều bất lợi như tình hình dịch bệnh, một số diện tích được tưới bởi hệ thống thuỷ lợi hồ Sông Trâu có nhiều khả năng thiếu nước; bão, lũ có khả năng xảy ra...

Trên cơ sở dự báo các yếu tố thuận lợi và khó khăn, ngành Nông nghiệp đề ra giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2013 với các chỉ tiêu cụ thể. Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài việc đảm bảo diện tích gieo trồng vụ mùa đạt trên 28.900 ha, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai, nhân rộng các chương trình về chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các loại cây, con có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: Chuyển giao quy trình sản xuất tỏi an toàn sinh học và nuôi rong sụn trong lồng lưới; chuyển giao mô hình sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng và chuyển giao mô hình thâm canh rau măng tây xanh đạt năng suất cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Ở lĩnh vực chăn nuôi, cùng với việc tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cải tạo đàn cừu, bò; chuyển giao công nghệ sản xuất tảng liếm dùng cho chăn nuôi dê, cừu, ngành còn triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để đảm bảo quy mô phát triển đàn. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn triển khai thi công xây dựng 3 Tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nho an toàn tại các địa phương: Nhơn Sơn (Ninh Sơn), Khánh Hải (Ninh Hải) và Văn Hải (Phan Rang – Tháp Chàm), nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất và tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.