Công Hải là 1 trong 8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Để sớm đạt tiêu chí về thu nhập, thời gian qua cấp ủy và chính quyền địa phương có chủ trương đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất lúa như thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng”; quản lý dịch vụ tổng hợp… đạt được những kết quả đáng kể.
Bông lúa ở mô hình “1 phải, 5 giảm” triển khai tại thôn Hiệp Kiết,
xã Công Hải dài hơn, nhiều hạt hơn so với bông lúa ở ruộng đối chứng.
Tuy nhiên, trong sản xuất vẫn còn những hạn chế như, việc sử dụng giống xác nhận, giống có chất lượng cao chưa nhiều; tại một số thôn, nông dân chưa tuân thủ áp dụng quy trình kỹ thuật, còn lạm dụng sử dụng phân bón, nhất là phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nên hiệu quả kinh tế chưa cao, môi trường sinh thái ít được cải thiện. Việc chọn thôn Hiệp Kiết làm điểm thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa là nhằm thay đổi tập quán sản xuất cũ, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Đồng chí Vạn Minh Tâm, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thuận Bắc cho biết: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa là mô hình điểm, lần đầu tiên triển khai ở xã Công Hải, kết quả thực hiện có ý nghĩa lớn trong việc khuyến khích bà con nhân rộng ra ở các vụ tiếp theo, nên được địa phương và ngành chức năng quan tâm. Đã có 50 hộ dân ở thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải thực hiện mô hình trên quy mô 20 ha, được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật với kinh phí hơn 100 triệu đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình Hỗ trợ Tam nông. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, tập huấn kỹ thuật, nên các hộ dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Cụ thể, tiến hành gieo sạ tập trung bằng giống lúa xác nhận TH6 và TH41 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cung cấp, bằng kỹ thuật sạ thưa với lượng giống 150kg/ha. Mô hình sử dụng 3 loại phân đơn (Urê, Super lân và KCl) nhằm tăng tính chống chịu sâu bệnh và giảm chi phí sản xuất. Các đợt bón phân được cân đối theo quy trình cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng biện pháp tưới nước “ướt khô xen kẽ”, chỉ đưa nước cao hơn mặt ruộng tối đa 5cm. Từ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên đã giảm được tối đa chi phí đầu vào: Giống giảm 100kg/ha, phân bón giảm được 70kg Urê/ha, giảm 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm tưới 2 lần so với sản xuất truyền thống.
Điều đáng nói là, mặc dù chi phí giảm, nhưng lúa vẫn phát triển tốt, kết quả kiểm tra thực địa tại chân ruộng cho thấy bông to, dài, nhiều hạt gấp rưỡi so với bông lúa ở ruộng đối chứng. Thu hoạch vào cuối tháng 9, bằng máy gặt đập liên hợp tránh được thất thoát, năng suất đạt 6,8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,5 tấn. Với giá bán 5.500 đồng/kg cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, sau khi trừ chi phí mỗi ha lãi gần 20 triệu đồng, cao hơn ruộng đối chứng 4,7 triệu đồng.
Đề cập đến triển vọng mô hình, đồng chí Mai Duy Bàng, Phó Chủ tịch UBND xã Công Hải nói: Qua thực tế cho thấy mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với sản xuất truyền thống. Kỹ thuật thực hiện mô hình phù hợp với trình độ sản xuất của nông dân địa phương. Hiện xã đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới vào nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng, liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm để nhân rộng mô hình trên toàn xã trong những vụ tiếp theo.
Anh Tùng