Việt Nam trước bước đi mới của Nhật về điện hạt nhân

Cơ quan Hạt nhân Nhật Bản đã bắt đầu khảo sát về nồng độ phóng xạ cesium trong nước biển ở Fukushima để kiểm tra tác động của sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi năm 2011.

 Cuộc khảo sát sẽ được tiến hành trong phạm vi 20km ngoài khơi và 50 km về phía Nam và phía Bắc nhà máy Fukushima Daiichi.

Các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung ở một số điểm nhất định xung quanh nhà máy điện Fukushima Daiichi. Tuy nhiên, lần này, cuộc khảo sát là nhằm phân tích sự lan rộng của phóng xạ thông qua cuộc khảo sát phạm vi rộng.

Cuộc khảo sát do một nhóm nghiên cứu Đại học Tokyo và Viện nghiên cứu Hàng hải quốc gia tiến hành. Hiện nhóm đã bắt đầu khảo sát sóng âm và các hoạt động khác để kiểm tra sự cấu thành địa chất của đáy biển.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Nhóm sẽ tiến hành đo nồng độ cesium từ tháng 11 năm nay đến tháng 2 năm sau. Kết quả cuối cùng sẽ được hoàn thành vào tháng 3 năm sau, và được sử dụng để xác định độ an toàn của thuỷ hải sản.

Trước đó hôm 16/9, Nhật Bản đã ngừng hoạt động của lò phản ứng hạt nhân cuối cùng, và lần thứ hai trong 40 năm qua ở tình trạng không có nguồn điện hạt nhân nào.

Công ty Điện lực Kanzai, lò phản ứng hạt nhân số 4 tại nhà máy Oi thuộc tỉnh Fukui, phía tây của Nhật Bản, được ngừng hoạt động vào nửa đêm hôm 18/9, CNN đưa tin.

Tất cả 50 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện đều đã ngừng hoạt động. Chính phủ Nhật hiện vẫn chưa tiết lộ về thời điểm cũng như liệu có bất cứ lò phản ứng nào trong số này hoạt động trở lại hay không.

Người dân Nhật Bản đã hoài nghi về năng lượng hạt nhân và các cơ quan kiểm soát nguồn năng lượng này, kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần 3/2011 gây ra hiện tượng rò rỉ tại ba lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Trước khi thảm họa Fukushima xảy ra, 30% nguồn cung cấp điện của Nhật Bản là năng lượng hạt nhân. Do đó, khi các lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động, Nhật Bản phải tăng cường nhập khẩu năng lượng hóa thạch.

Lo ngại rằng thiếu nguồn năng lượng hạt nhân sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng năng lượng và tình trạng cắt điện luân phiên, chính phủ Nhật đã cho phép hai lò phản ứng bắt đầu chạy dự phòng ở nhà máy Oi.

Chia sẻ với Đất Việt trước thông tin này, TS Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân, nay là cố vấn Chương trình Năng lượng hạt nhân Việt Nam cho rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ phải có nhiều cố gắng để nâng cao an toàn hạt nhân, đồng thời có thông tin đầy đủ, rõ ràng về những cố gắng nâng cấp quản lý an toàn, thì mới có thể thuyết phục được nhân dân, khôi phục được hoạt động của các nhà máy ĐHN.

Bài học Fukushima rất đắt giá, nhưng cũng cho nhiều kinh nghiệm rất quan trọng để Nhật và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn các tai nạn tương tự, nhất là tai nạn ở mức gây ô nhiễm phóng xạ ra môi trường.

Nguồn: ĐấtViệt