Pin mặt trời mỏng hơn sợi tóc 100 lần

Các nhà khoa học đến từ khoa vật lý của Đại học Oxford phát triển vật liệu hấp thụ ánh sáng siêu mỏng đủ mềm dẻo để đặt lên bề mặt của bất kỳ tòa nhà hoặc vật thể nào.

Chỉ dày hơn một micron, lớp phủ mới mỏng hơn 150 lần so với tấm bán dẫn silicon dùng trong pin mặt trời hiện nay. Khác với tấm pin silicon, perovskite có thể đặt trên gần như mọi bề mặt, bao gồm nhựa và giấy, sử dụng công cụ như máy in phun. Tấm phủ mặt trời được làm từ vật liệu perovskite hấp thụ khoảng 27% năng lượng trong ánh sáng mặt trời. Tấm pin sử dụng silicon hiện nay thường biến đổi 22% ánh sáng mặt trời thành điện. Các nhà nghiên cứu tin rằng theo thời gian, perovskite có thể cung cấp hiệu suất trên 45%.

"Điều này rất quan trọng bởi nó hứa hẹn sản xuất nhiều điện mặt trời hơn mà không cần tấm pin silicon hoặc trang trại mặt trời chuyên biệt", Junke Wang, một trong các nhà khoa học ở Oxford, cho biết. "Chúng tôi đang lên kế hoạch sử dụng lớp phủ perovskite cho nhiều loại bề mặt hơn để sản xuất điện mặt trời giá rẻ, như nóc xe và tòa nhà, thậm chí mặt sau điện thoại di động".