Trong 9 tháng năm 2024, Sở KH&CN đã chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chính sách, đề án, giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu; hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng, chuyển giao các quy trình kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số (CĐS). Hiện đang thẩm định chủ trương đầu tư đề xuất hỗ trợ CĐS của Công ty TNHH Dịch vụ Phòng khám đa khoa Thái Hòa, hướng dẫn Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop lập hồ sơ đề xuất hỗ trợ đầu tư CĐS; tổ chức khóa đào tạo nâng cao năng lực về “Quản trị chiến lược nhân sự cho DN và công tác CĐS” cho hơn 60 DN, nhằm tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; tư vấn, hướng dẫn 10 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, nâng tổng số đến đầu tháng 9 có 61 hộ kinh doanh được chuyển đổi thành DN.
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) áp dụng mô hình “Bao lưới chống ruồi vàng” trên cây táo. Ảnh: Hồng Lâm
Sở KH&CN quản lý các nhiệm vụ KH&CN với kết quả mô hình, sản phẩm tạo ra có khả năng ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Tiếp nhận quy trình kỹ thuật, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhân rộng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC) 565ha, có 4 DN đã làm chủ được công nghệ sản xuất nông nghiệp CNC: Công nghệ nuôi cấy mô; công nghệ sinh học để quản lý, kiểm soát chất lượng nước, kiểm soát bệnh và sức khỏe con giống, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-20% so với sản xuất truyền thống. Ứng dụng kỹ thuật “bao lưới chống ruồi vàng”, có 2.986 hộ tham gia với diện tích hơn 868ha, lợi nhuận tăng 200 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Không dừng lại đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn còn thực hiện duy trì và mở rộng được 36 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 5.014ha, gồm 27 cánh đồng lúa 4.567,95ha, 2 cánh đồng măng tây 56,65ha, 3 cánh đồng bắp giống 260ha, 1 cánh đồng nho 29,92ha, 2 cánh đồng hành tím 80ha, 1 cánh đồng nha đam 20ha. Triển khai ứng dụng các kết quả của 7 nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, gồm: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh theo hướng CNC; ương nuôi tôm hùm xanh từ giai đoạn giống 20-30g đến giai đoạn sắp trưởng thành từ 150g trở lên trong bể xi măng bằng thức ăn viên; nghiên cứu xây dựng mô hình tổ, đội tàu khai thác hải sản trên vùng biển xa; nghiên cứu đánh giá thực trạng nghề sản xuất tôm giống, đề xuất mô hình cơ sở sản xuất giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGAP, hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước; ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số; nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cua xanh phù hợp tại Ninh Thuận; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven Đầm Nại.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai ứng dụng đến các DN du lịch Bộ giải pháp CĐS theo Đề án 06 của Chính phủ về kiểm soát an ninh thông minh triển khai camera AI kiểm soát ra, vào tại các điểm du lịch, khu du lịch nhằm phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra, vào khu vực và kiểm soát an ninh; tự động thống kê số lượng khách, độ tuổi, giới tính, địa chỉ; phòng ngừa kẻ xấu trà trộn, phục vụ an toàn, an ninh cho du khách; tự động nhận diện và báo động đối tượng bị hạn chế.
Hoạt động ứng dụng kết quả KH&CN ở các địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, huyện Ninh Phước hướng dẫn công nhận 8 mã vùng trồng với diện tích trên 67,22ha; diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ hơn 220ha. Huyện Thuận Nam hỗ trợ 3 DN, cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, chế biến nước mắm, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới cho sản phẩm công nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương, với tổng kinh phí 1,55 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thủy sản cho 1 hộ kinh doanh, kinh phí 150 triệu đồng. Trên địa bàn huyện có 12 DN, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích hơn 159ha. Duy trì triển khai 4 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa quy mô hơn 693ha với 1.356 hộ tham gia. Huyện Thuận Bắc duy trì và mở rộng 5 cánh đồng lớn với diện tích 309ha; trình diễn mô hình thâm canh giống lúa mới với quy mô 5ha, tại xã Bắc Phong. Huyện Ninh Sơn duy trị diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hơn 99ha; cấp mã số vùng trồng với diện tích 76,5ha.
Anh Tùng