VNREDSat-1 mang lại những ích lợi gì?

Sau hơn 3 tháng kể từ khi vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam - VNREDSat-1 được phóng thành công vào quỹ đạo, nhà tổng thầu Công ty EADS Astrium-Pháp vừa bàn giao hệ thống vệ tinh này cho phía Việt Nam. Sự kiện trên đã đưa nước ta trở thành một trong không nhiều nước trên thế giới và là nước thứ 5 trong khu vực có vệ tinh quan sát Trái Đất riêng.

Từ khả năng chụp ảnh của vệ tinh…

Đến với Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam những ngày này, chúng tôi dễ cảm nhận được niềm vui đong đầy trên đôi mắt của các nhà khoa học. Và tất nhiên, điều mà họ muốn giới thiệu với chúng tôi chính là những bức ảnh đầu tiên được VNREDSat-1 chụp một khu vực TP Hà Nội, một phần đảo Phú Quốc hay hình ảnh trọn vẹn TP Đà Nẵng trẻ trung, năng động… Những bức ảnh cũng như lời khẳng định, đến nay hệ thống VNREDSat-1 đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và vượt về tiến độ, đủ điều kiện để tiến hành bàn giao từ Công ty EADS Astrium cho Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chính thức vận hành, khai thác sử dụng.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chứng kiến lễ ký kết bàn giao hệ thống vệ tinh VNREDSat-1.

Theo thiết kế, vệ tinh VNREDSat-1 có thể chụp ảnh bất kỳ điểm nào trên bề mặt Trái Đất. Đồng thời, vệ tinh có khả năng chụp một dải ảnh rộng 17,5km liên tục kéo dài tới 4000km ở chế độ chụp ảnh đa phổ và khoảng 1000km ở chế độ chụp ảnh toàn sắc. “VNREDSat-1 có thể tiến hành chụp các vệt ảnh phủ qua lãnh thổ Việt Nam đồng nhất hoàn toàn về điều kiện khí quyển, độ sáng mặt trời, qua đó giảm được ảnh hưởng của các yếu tố này đến chất lượng ảnh thu được”, Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Trưởng ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ lý giải. Vệ tinh VNREDSat-1 có chế độ chụp và truyền trực tiếp xuống trạm thu ảnh viễn thám nên hệ thống VNREDSat-1 có thể cung cấp ảnh gần như tức thời cho tất cả các khu vực trong lãnh thổ Việt Nam.

… đến “chuyện” quản lý, quy hoạch lãnh thổ

Có lẽ với VNREDSat-1, điều mà các chuyên gia của Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ “vắt” sức lực, trí tuệ vào nghiên cứu chính là tiềm năng ứng dụng khi mà VNREDSat-1 cho phép chủ động trong việc chụp ảnh độ phân giải cao. Và một trong những tiềm năng đó đã được “bộc lộ” ngay sau khi vệ tinh được đưa vào quỹ đạo là việc quản lý và quy hoạch lãnh thổ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên cho biết, lịch sử phát triển của đất nước ta luôn gắn liền với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của đất nước. Ảnh viễn thám nói chung và ảnh vệ tinh VNREDSat-1 nói riêng sẽ cung cấp công cụ hữu ích trực quan để góp phần quản lý, khai thác, bảo vệ các vùng nước ven bờ cũng như các khu vực đảo xa.

Bức ảnh thủy điện sông Bung 2 (tỉnh Quảng Nam) do VNREDSat - 1 chụp ngày 9-8-2013.
Ảnh: Vastac.vn

Bên cạnh đó, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam còn cung cấp một cách hiệu quả các thông tin cần thiết phục vụ công tác quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… khi nó có độ phân giải mặt đất 2,5m và khả năng cung cấp ảnh tăng cường chất lượng (PAN+MS).

“Quản lý” tài nguyên, theo dõi thiên tai

Vệ tinh VNREDSat-1 vận hành thành công cho phép tích lũy kiến thức và nhân lực khoa học, làm tiền đề phát triển cho các dự án vệ tinh sau này của Việt Nam; Dự án cũng là nơi lý tưởng để đào tạo trực tiếp một đội ngũ kỹ sư vận hành và khai thác vệ tinh, tiến tới mục tiêu hoàn thiện một phần nguồn nhân lực cho “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Chính phủ. (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Theo Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ, với thiết kế dữ liệu ảnh có độ phân giải cao, VNREDSat-1 có thể được sử dụng để xây dựng nhanh chóng các bản đồ sử dụng đất phục vụ cho việc kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp hay theo dõi và dự báo sản lượng lúa và một số cây công nghiệp khác. Các dữ liệu này còn được sử dụng để theo dõi tài nguyên nước, biến động môi trường… Đặc biệt, với khả năng cập nhật nhanh chóng, dữ liệu ảnh VNREDSat-1 có thể được sử dụng hiệu quả cho việc chỉnh lý các bản đồ địa hình hằng năm hay xây dựng các bản đồ cấu trúc, kiến tạo địa chất phục vụ việc khảo sát tìm kiếm khoáng sản. Như để minh chứng cho những vấn đề nêu trên, Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ đã cho chúng tôi xem bức ảnh mà VNREDSat-1 chụp các thửa ruộng ven sa mạc vùng Maricopa (Mỹ); vùng núi phụ cận Ulanbato (Mông Cổ) và cả khu vực thủy điện sông Tranh (tỉnh Quảng Nam)...

Theo Ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ, với khả năng chụp lại một vùng bất kỳ trên bề mặt Trái Đất trong vòng 3 ngày, VNREDSat-1 đã cung cấp một công cụ đặc biệt hiệu quả trong việc theo dõi, đánh giá tác động của thiên tai như lũ lụt, trượt lở đất hay bão. Mặt khác, với khả năng chụp ảnh trên diện rộng, dữ liệu VNREDSat-1 sẽ giúp việc đánh giá thiệt hại trực quan hơn và chính xác hơn.

Chính từ những ích lợi to lớn đó, tại lễ bàn giao vệ tinh VNREDSat-1 diễn ra ngày 4-9 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tự hào, tin tưởng qúa trình vận hành, khai thác, sử dụng vệ tinh VNREDSat-1 sẽ thành công đạt hiệu suất sử dụng cao, góp phần cung cấp một lượng lớn ảnh quang học có chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng. “Thành công của dự án vệ tinh VNREDSat-1 không chỉ có ý nghĩa chính trị về kinh tế, xã hội to lớn, củng cố quốc phòng- an ninh, tiếp tục thể hiện và khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người nói riêng”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Nguồn Báo QĐND Online