Lại nữa, không phải loài mai, cây mai nào cũng có hương. Chỉ một loài mai ngự ở Huế (miền Nam gọi mai thơm) là tương đối đậm hương. Có điều đậm cỡ nào thì cũng vẫn là… hương mai, tức thị vẫn mang cốt cách nhẹ nhàng, thanh tao của một loài hoa quý phái. Nói vậy có khi thành ra “phân biệt đối xử”; nhưng quả tình hoa mai trông… quý phái thật! Nhưng thôi, hãy cho qua dáng dấp, ta đang bàn chuyện hương. Giống quy luật chung của một số loài hoa, mai chỉ dậy mùi, nhẹ nhàng tỏa hương vào sáng sớm. Phải là hoa mới nở. Hoa cũ, tức đậu trên cành đến ngày thứ 2 sẽ không còn hương. Điều ấy cũng phù hợp với “luật chơi”; bởi đặc tính loài hoa mai chỉ bung cánh mãn khai vào một thời điểm duy nhất trong ngày: sáng sớm! Nói vậy có nghĩa rằng: “em” nào chưa kịp nở buộc phải nằm yên mà chờ đến… sáng mai. Hay hơn nữa, hoa luôn bí mật mãn khai đâu vào thời điểm chớm bình minh; tức khi con người thức giấc, ra sân đã thấy hoa mai rờ rỡ trên cành…
Thường các giống mai hương thì kém sắc. Ấy là kinh nghiệm riêng tư của tôi, không biết có đúng? (Nhưng nếu đúng thì kể cũng là một yếu tố chứng minh thêm cho tính bất toàn của đời sống. Được này mất khác, lẽ đương nhiên!). Thường các giống mai hương là mai năm cánh, hoa thưa, nhỏ cái nở lác đác chứ không bung rộ thành chùm. Tuy vậy, cá biệt vẫn có trường hợp hoa to, nhiều cánh có hương. Có điều, những cá thể mai (quý) này (thường là “con lai” giữa mai hương và không hương ) ít khi gặp. Và nếu gặp được thì, ngoài tính tích cực (hương), phần lớn trường hợp chúng cũng sẽ đèo thêm một yếu tố tiêu cực (thưa hoa).
Ngọt như mật và nồng say như rượu - đó là hương mai. Có điều, nếu chỉ có thế thì hương mai không lạ. Lạ ở chỗ: hương mai nhẹ nhàng mà sâu thẳm. Nở nhiều hoa nồng nàn đã đành. Bạn có tin không, chỉ lác đác vài hoa – thậm chí chỉ duy nhất một hoa – hương mai vẫn cứ thẳm sâu, nồng nàn như thế.
Mà nữa, hương ấy chỉ nồng nàn buổi sớm, thật sớm - lúc mặt trời chưa ló dạng. Hương ấy muốn dành sự trinh nguyên của mình cho tinh khôi ngày mới.
…và (có lẽ), còn cho cả người tri kỷ cùng hương!
Y Nguyên