Rắn di chuyển nhanh là nhờ có các vảy. Vảy chính là chân của rắn, nhờ có vảy mà rắn có thể trườn, bò. Khi rắn muốn trườn về trước thì những chiếc vảy hơi dựng lên, rìa vảy miết mạnh trên mặt đất đẩy rắn trườn tới. Rắn muốn leo cây thì quấn vào thân cây trườn lên như khi bò dưới đất. Vảy rất cứng và không phát triển theo độ lớn của thân rắn, vì vậy, cứ vài ba tháng, rắn thay vảy một lần (thường gọi là rắn lột da). Mỗi lần thay vảy, bộ vảy mới lớn hơn trước một tí. Lưỡi là cơ quan xúc giác của rắn. Lưỡi rắn dài và mảnh, đầu lưỡi chẻ đôi. Khi gặp mồi, rắn thè lưỡi ra và lao vào, há miệng, nhe răng ngoạm lấy con mồi. Rắn độc dùng răng tuôn nọc độc, làm cho con mồi tê liệt và chết. Khi con mồi đã chết, rắn dùng các cơ hàm đẩy dần con mồi vào ống tiêu hóa. Rắn có thể nuốt được con mồi to hơn đầu nó cả chục lần.
Rắn ráo, rắn sọc dưa thích ăn thịt chim, trứng chim, chuột, thằn lằn. Rắn nước ăn sâu bọ, cá, giun, ếch, nhái. Có một số loài rắn như rắn cạp nong lại ăn thịt cá đồng loại.
Rắn ăn rất ít và trong một năm, nó chỉ ăn khoảng 10 lần. Có những lòi rắn nhịn ăn cả năm trời vẫn sống bình thường. Thậm chí, có loài rắn không ăn và ngủ liền một mạch tới 4 năm! Và hiện nay, rắn vẫn đang giữ kỷ lục về khả năng nhịn ăn, nhịn uống trong thế giới động vật.
Hầu hết các loài rắn đều đẻ trứng, chỉ có vài loài đẻ con như rắn lục, rắn đẻn… Rắn to nhất là đại mảng xà (có nhiều ở châu Á) thân dài đến 10 mét. Loài nhỏ nhất là rắn giun Typhlops Bramonus, dài chưa tới 10 cm và bề ngang không quá 5mm.
Trên thế giới có hơn 3.000 loài rắn, trong đó khoảng 300 loài rắn độc. Châu Á dẫn đầu về số lượng rắn độc (165 loài); kế đến là châu Mỹ (91 loài), châu Phi 75 loài, châu Đại dương 80 loài và châu Âu 8 loài.
Ở nước ta có khoảng 300 loài rắn và 1/5 trong số đó là rắn độc. Rắn vừa có hại vừa có ích cho con người. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ để phòng tránh những mặt nguy hại và phát huy những điểm có lợi của giống vật này.
Lý Thái Bình