Trong thư, Bác biểu dương thành tích năm cũ và chỉ ra nhiệm vụ năm mới. Trong thư chúc Tết của Bác thường có cả thơ, lời thơ giản dị, song vô cùng cảm động, chứa chan tình yêu nước, thương dân của Người. Nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng có lẽ ít người còn nhớ bài thơ chúc tết đầu tiên của Bác.
Tối 30 Tết Đinh Hợi (1947), bài thơ chúc Tết của Bác được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bài thơ như sau:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất, độc lập, nhất định thành công”
Theo nhà thơ Huy Cận, bài thơ là lời hiệu triệu lần thứ hai của Bác, phát động cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Lần thứ nhất là lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946. Và từ đó như một thông lệ, một nghĩa cử cao đẹp đối với dân, với nước, năm nào Tết đến, xuân về Bác đều có thơ chúc tết. Bài thơ chúc tết cuối cùng Bác viết vào dịp tết năm 1969 như còn ngân vang đâu đây:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập – Vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Thư chúc tết của Bác là thơ, là hịch, là định hướng chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong một năm, là dự báo tin vui: “Thắng trận nở như hoa”. Chỉ ra nhiệm vụ của năm tới.
Và như lời tiên tri của Người, những năm tiếp theo, cuộc kháng chiến chống Mỹ giành được thắng lợi liên tiếp – dẫn đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Lê Hồng Bảo Anh