Tư tưởng quốc phòng toàn dân của Hồ Chí Minh được biểu hiện trước tiên bằng việc phát động một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng sức mạnh của toàn dân để đánh thắng kẻ thù.
Kế thừa truyền thống "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" của dân tộc, vận dụng quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân là chủ, kháng chiến kiến quốc là sự nghiệp của dân; có dân là có tất cả; khởi nghĩa toàn dân để giành lại nền độc lập cho dân tộc, kháng chiến toàn dân để giữ vững nền độc lập ấy. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp để cứu nước”.
Trong quá trình kháng chiến, Người đã nhiều lần khẳng định: 20 triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn quân thực dân phản động. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người kêu gọi toàn dân với tinh thần: mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Từ khi Đảng ta ra đời vào ngày 3-2-1930, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Đảng đã chú ý xây dựng các hình thức mặt trận. Đây chính là tổ chức nhằm tập hợp đông đảo, rộng rãi các tầng lớp nhân dân, là cơ sở để xây dựng một đội quân chính trị rộng khắp.
Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh chú ý đến việc giáo dục tư tưởng chính trị và nhiệm vụ chính trị cho họ. Đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ở Hồ Chí Minh, giữa chính trị và quân sự có mối quan hệ mật thiết. Dùng chính trị để phục vụ cho quân sự, dùng quân sự để xây dựng chính trị và kết hợp chính trị với quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng tinh thần và sức mạnh của toàn dân.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: xây dựng lực lượng quân sự bao gồm ba thứ quân, kết hợp xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp và chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, sử dụng linh hoạt các phương pháp tiến công.
Trong hai cuộc kháng chiến, Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ trong kết hợp giữa kháng chiến và kiến quốc, giữa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ở kháng chiến chống thực dân Pháp, Người chủ trương "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", khẩn trương xây dựng chính quyền và Mặt trận Liên Việt, kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc "chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm", "hậu phương thi đua với tiền phương", "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính, thi hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện các chính sách bồi dưỡng sức dân để kháng chiến lâu dài.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Người chủ trương xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam và là cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người đã động viên quân và dân miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cả nước có chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đánh bại chiến tranh phá hoại của địch và chi viện cho miền Nam, với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt".
Tiếp nối Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, hiện nay, Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục ý thức quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân, kêu gọi nhân dân đề cao cảnh giác, chống các âm mưu và thủ đoạn của địch. Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, Đảng ta đề ra chiến lược về quốc phòng và an ninh quốc gia; kết hợp kinh tế với quốc phòng; kết hợp giữa xây dựng lực lượng vũ trang chính quy với các lực lượng tự vệ ở các địa phương, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để động viên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong thời kỳ mới, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị tổ chức ngày Hội “Quốc phòng toàn dân” trong phạm vi cả nước, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện chủ trương đó, hơn 20 năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn, nhất là xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.
Trong những năm tới, chúng ta đang đứng trước những thuận lợi to lớn để phát triển toàn diện đất nước. Song, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới có vị trí hết sức quan trọng, với những yêu cầu và nội dung rất toàn diện; đòi hỏi chúng ta phải phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhận định: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần tư tưởng đó, chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh thực hiện “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” lên tầm cao mới, trong đó Quân đội là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, làm cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thực sự là sự nghiệp của toàn dân, toàn quân ta.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng