Hướng đi mới cho kinh tế tập thể tỉnh nhà

(NTO) Thời gian qua, hoạt động kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) của tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, từng bước khẳng định được vị thế của mình trong quá trình hội nhập của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT các HTX kiểu cũ tích cực chuyển đổi, củng cố, đổi mới hoạt động. Qua đó đã tạo được bước chuyển biến tích cực kể cả trong nhận thức và hành động, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43 HTX; trong đó, thành lập mới: 17 HTX, chuyển đổi: 26 HTX. Nhìn chung, các HTX hoạt động có hiệu quả, giải quyết tốt các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất cho xã viên.

 
Hoạt động hiệu quả của các HTX nghề cá đưa lại cuộc sống ổn định cho ngư dân

Nhiều HTX đã năng động đổi mới phương thức kinh doanh, dịch vụ, linh hoạt trong sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường. Điển hình như HTX Trường Thọ ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) liên minh với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cho xã viên thực hiện thành công mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với quy mô lớn lên đến gần 90 ha, hay như HTX An Hải, xã An Hải (Ninh Phước) phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật nhân rộng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Ông Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX Trường Thọ, cho biết: “Cái được của những mô hình sản xuất trên là đã nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những cánh đồng “trăm triệu”.

Không riêng gì HTX Dịch vụ Nông nghiệp, mà các HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản cũng đã liên kết xã viên lại, tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân vươn ra khơi đánh bắt. Đơn cử như HTX nghề cá Vĩnh Hy ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) ngoài khai thác nghề lưới đăng truyền thống mỗi năm thu về từ 3 đến 4 tỷ đồng, HTX còn mở rộng hoạt động nuôi tôm hùm lồng, làm dịch vụ thu mua hải sản và du lịch, doanh thu hằng năm đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng…

Có thể nói, hoạt động hiệu quả của HTX đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và hỗ trợ xã viên cùng phát triển. Từ đó làm cho chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh giảm, tạo khả năng cạnh tranh cao. Các dịch vụ của HTX đã hỗ trợ đắc lực cho sản xuất của xã viên gặp khó khăn về vốn. Nhờ HTX đảm nhiệm các khâu làm đất, giống, phân bón, thu hoạch… cuối vụ mới thu tiền của xã viên nên nhiều hộ nghèo không phải bán lúa non, vay nặng lãi, sang nhượng đất.

Bên cạnh ghi nhận những đóng góp của kinh tế HTX, ngành chức năng cho rằng về lâu dài, nếu muốn “đứng vững” trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các HTX phải xác định hướng đi chiến lược, đủ mạnh để vượt qua những thách thức, khó khăn thì mới tồn tại và phát triển bền vững. Muốn vậy, Ban Quản trị HTX phải năng động, dám nghĩ, dám làm. Đây là “bài toán” cần có lời giải, vì thực tế hiện nay, phương hướng sản xuất, kinh doanh và phạm vi hoạt động của HTX còn nhỏ hẹp. Trong khi đó, trình độ năng lực quản lý của Ban Quản trị còn nhiều hạn chế. Phần lớn cán bộ HTX đã lớn tuổi, làm việc theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. Ông Trần Hải, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhị Hà 1, xã Nhị Hà (Thuận Nam) thẳng thắn nhìn nhận: “Với mức lương của cán bộ HTX trên dưới 1 triệu đồng như hiện nay không thể thu hút được nhân lực có trình độ.”.

Khi các HTX rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thì mô hình sản xuất, kinh doanh mới không thể nhân rộng được, và sẽ ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới. Để hạn chế rủi ro trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường hiện nay, theo đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Các HTX phải nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường nguồn vốn và khả năng thích nghi với cơ chế mới”.

Về nguồn nhân lực, giải pháp chủ yếu hiện nay là đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ cho chủ nhiệm, kế toán HTX khi đã được xã viên tín nhiệm bầu và có đủ khả năng đảm trách công việc. Hiện Chi cục HTX đang có kế hoạch gửi cán bộ HTX đi đào tạo tại Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (Tp.Hồ Chí Minh) trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực quản trị HTX. Riêng về vốn, bên cạnh tranh thủ lồng ghép các nguồn đầu tư hỗ trợ phát triển KTTT thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển làng nghề… các HTX cần phải huy động vốn của các doanh nghiệp bằng hình thức liên doanh sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là hướng đi mới cho KTTT.