Lợi ích bất ngờ từ khế chua

Khế rất giàu vitamin, ăn một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

Giá trị dinh dưỡng của khế không cao (100g khế chỉ cho 35,7 calo) song lại có lợi ích trị nhiều bệnh. Vị chua của khế là do các acid hữu cơ, có từ 800 - 1250mg/100 g khế, trong đó từ 300 - 500mg acid oxalic, 300 - 430mg acid tartric, 140 - 220mg acid succinic, 100 - 130mg acid citric... Khế ít chua chứa 4 - 70mg acid oxalic. Khế chua có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn khế ngọt.

Một số lợi ích từ khế:

Cung cấp vitamin C dồi dào cho cơ thể: Khế rất giàu vitamin,ăn một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, da dẻ tươi nhuận, trẻ lâu.

Trị tóc bạc sớm: Khế chua 150g, nước dừa 200ml, mật ong. Cách làm: Khế rửa sạch, ép lấy nước rồi hòa nước khế với nước dừa, trộn thêm mật ong vừa đủ uống, uống ngày 2 lần.

Giải nhiệt: Dùng quả khế ép lấy nước uống rất tốt để giải nhiệt cũng như chống cảm nắng vào mùa hè oi nực.

Ngừa táo bón, chữa trĩ: Khế có nhiều chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón.

Chữa bí tiểu: Khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600ml nước, sắc còn 300ml, uống lúc còn ấm nóng. Ở ngoài, lấy 1quả khế và 1 củ tỏi giã nát nhuyễn, đắp vào rốn.

Chữa dị ứng, mày đay, mẩn ngứa, lở loét: Lấy lá khế giã nát, xoa và đắp lên chỗ bị dị ứng; kết hợp dùng 16g vỏ núc nác sắc uống. Dùng lá khế, lá thanh hao, lá long não, lá thông mỗi thứ 15-20g, nấu nước tắm.

Chữa ho khan, ho có đờm, kiết lỵ: Hoa khế đã phơi héo, tẩm nước gừng (nước gừng đặc sẽ tốt hơn) đem sao lên. Pha hoa khế đã sao với nước nóng (như cách pha trà) và uống trong ngày.

Trị viêm họng: Lấy lá khế 40g, cùng vài hạt muối giã vắt lấy nước cốt ngậm ngày 2 lần.

Phòng sốt xuất huyết: Lá khế 16g, lá dâu, sắn dây, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12g, sắc uống thay nước hàng ngày. Bài thuốc này có thể áp dụng trong thời gian có dịch.

Phòng hậu sản cho phụ nữ sau sinh: Quả khế 20g, vỏ cây hồng bì 30g, rễ cây quả giun 20g, sắc uống thay nước giúp phòng hậu sản.

Trị viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo: Nước sắc lá khế có tác dụng ức chế vi khuẩn Gram +, nhưng không có tác dụng trên khuẩn Gram âm, nấm candida. Dạng dịch chiết qua nước có tác dụng ức chế vi khuẩn mạnh nhất.

Chữa sốt cao lên cơn giật ở trẻ em: Hoa khế, hoa kim ngân, lá dành dành, cỏ nhọ nồi mỗi thứ 8g, cam thảo 4 g, bạc hà 4g, sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

Lưu ý: Trẻ em trong giai đoạn phát triển nên hạn chế ăn khế và những thức ăn có nhiều acid oxalic như lá me chua, chanh… vì acid oxalic cản trở sự hấp thu calci cần thiết cho sự phát triển của cơ thể.

Những người bị bệnh thận cũng không nên ăn khế vì acid oxalic trong khế cũng dễ gây ra sỏi thận.

Nguồn cimsi.org.vn