Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

(NTO) Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Khác với nạn nhân do bom đạn chiến tranh, nạn nhân CĐDC chịu đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ không chỉ bị mắc bệnh nan y, cơ thể luôn đau đớn mà những đứa con của họ có thể bị dị dạng, dị tật.

Những nỗi đau da cam không có gì bù đắp được, nhưng sự sẻ chia từ cộng đồng đã thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, những nghĩa cử cao đẹp ấy đang góp phần xoa dịu nỗi đau mà nhiều nạn nhân, gia đình phải mang theo suốt cuộc đời”.

Chia sẻ nỗi đau

Trong căn nhà mới được sửa chữa khang trang, bà Phan Thị Chút, thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh (Thuận Nam) có 1 con bị nhiễm CĐDC, chia sẻ: “Niềm mơ ước của tôi đã thành sự thật, cảm ơn Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã hỗ trợ để sửa sang căn nhà mới này”. Có chứng kiến hoàn cảnh của gia đình bà, mới cảm nhận được hết niềm vui, hạnh phúc khi được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Gia đình nghèo, con lại bị nhiễm CĐDC, cuộc sống đủ ăn là may mắn lắm rồi! Trước hoàn cảnh của bà Chút, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh vận động Công ty Cổ phần Kỹ thuật Á Châu hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đang ở bị xuống cấp. Từ đây, 2 mẹ con bà đã có chỗ “an cư lạc nghiệp”. Hay trường hợp 2 mẹ con bà Ba Râu Thị Tiêu, ở xã Ma Nới (Ninh Sơn). Cả 2 mẹ con đều bị nhiễm CĐDC, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào trợ cấp xã hội và sự đùm bọc của bà con thôn, xóm. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội nạn nhân CĐDC tỉnh đã vận động được 37 triệu đồng để xây dựng cho bà Tiêu một căn nhà cấp 4 vững chãi để ở.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Ninh Hải.

Không chỉ hỗ trợ về nhà ở, mà nhiều tổ chức đoàn thể xã hội đã có những việc làm đầy ý nghĩa nhằm giúp đỡ một phần khó khăn, xoa dịu bớt nỗi đau những gia đình có nạn nhân CĐDC. Ông Trần Văn Ngọn, thôn 2, xã Nhị Hà (Thuận Nam) cho biết: “Gia đình nghèo, đông con, bản thân lại bị nhiễm CĐDC, sức khỏe yếu nên đời sống kinh tế gia đình chật vật. Nhờ Hội Chữ thập đỏ cho vay vốn để sản xuất, chăn nuôi nên kinh tế cũng bớt phần khó khăn hơn”. Theo bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Thuận Nam cho biết, ông Ngọn là một trong 35 gia đình nạn nhân CĐDC ở xã Nhị Hà được Hội Hữu nghị Việt-Pháp hỗ trợ 2,5 triệu đồng/hộ trong 2 năm để có vốn sản xuất. Nhờ nguồn vỗn hỗ trợ này, đã góp phần vào phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống cho những hộ gia đình nạn nhân CĐDC”.

Cả xã hội, cộng đồng vào cuộc

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC. Đặc biệt, cuối năm 2010, tỉnh ta đã thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đây là điều kiện để tỉnh ta thực hiện tốt hơn công tác khắc phục hậu quả CĐDC và có nhiều điều kiện huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Theo số liệu điều tra, toàn tỉnh hiện có 4.850 người bị phơi nhiễm CĐDC. Trong đó, có 489 đối tượng là người tham gia kháng chiến đang được hưởng chính sách nạn nhân da cam. Thời gian qua, công tác vận động, động viên nạn nhân CĐDC khắc phục khó khăn, xóa bỏ mặc cảm, vượt lên hòa nhập cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều hoạt động để vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Cao điểm của những hoạt động này là vào ngày 10-8 (Ngày Vì nạn nhân dioxin Việt Nam). Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã tổ chức nhiều đợt phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tinh thần giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, sự chung tay, tiếp sức của các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước, hàng nghìn lượt nạn nhân CĐDC/dioxin trong tỉnh đã được khám, chữa bệnh, cấp thể bảo hiểm y tế, học nghề, cấp phương tiện hành nghề, có việc làm... Qua hơn một năm hoạt động, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã vận động quyên góp xây dựng, sửa chữa mới 12 ngôi nhà cho các nạn nhân CĐDC, với tổng trị giá 375 triệu đồng; tặng 500 phần quà, mỗi suất 150.000 đồng/người cho các nạn nhân trong dịp lễ, tết... Ngoài ra, các đối tượng nạn nhân CĐDC trong diện chính sách và bảo trợ xã hội, mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng/người.

Các hội, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng tích cực tham gia chăm lo xoa dịu nỗi đau da cam, trong đó phải kể đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 6.187 lượt nạn nhân CĐDC, với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; xây dựng, nâng cấp 10 nhà Chữ thập đỏ, nhà tình nghĩa trị giá trên 200 triệu đồng; trao tặng 87 xe lăn, xe lắc, xe đẩy, cấp 127 thẻ BHYT cho nạn nhân; bảo trợ thường xuyên cho 116 người với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng… Hay cá nhân bà Trần Thị Mỹ Quyên, Việt kiều Pháp đã tài trợ dài hạn cho 15 nạn nhân CĐDC, mỗi người 4 triệu đồng/năm…

Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết thêm: “Công tác chăm sóc nạn nhân CĐDC nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt, vừa qua Trung ương Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã hỗ trợ đầu tư gần 2,3 tỷ đồng cho tỉnh để xây dựng “Trung tâm Nuôi dưỡng nội trú nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh”. Đây là công trình có ý nghĩa lớn, khi đưa vào sử dụng sẽ giúp tỉnh ta cơ bản giải quyết việc nuôi dưỡng các trẻ em bị nhiễm CĐDC dưới 16 tuổi, xoa dịu một phần nỗi đau và tháo gỡ những khó khăn cho các gia đình có nạn nhân CĐDC” .