Bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do vỡ hồ Phước Trung

(NTO) Sự cố vỡ hồ thủy lợi Phước Trung, huyện Bác Ái vào tháng 11 năm 2010 làm thiệt hại hàng chục hec-ta hoa màu và đất sản xuất của người dân tại hai xã Phước Trung, huyện Bác Ái và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Tuy nhiên, cho đến nay, người dân bị thiệt hại vẫn chưa nhận được bồi thường và hỗ trợ để ổn định sản xuất.

Như bao hộ gia đình bị thiệt hại khác trong vùng, sau khi hồ Phước Trung bị vỡ, cuộc sống của gia đình chị Chamaléa Thị Ngôn ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi hơn 5 sào đất rẫy mỗi năm canh tác hai vụ là nguồn thu nhập chủ yếu của cả gia đình giờ không còn sản xuất được nữa.

Công trình thủy lợi hồ Phước Trung có sức chứa hữu ích trên 2,2 triệu mét khối nước
tưới bổ sung cho 270 ha đất canh tác của nông dân các xã Phước Trung, Mỹ Sơn, Nhơn Sơn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Dẫn chúng tôi đến vùng đất, giờ chỉ còn trơ lại đá, sỏi do nước bào mòn cuốn trôi, chị cho biết: Khi hồ Phước Trung vỡ, nước đã cuốn trôi hết đám rẫy của gia đình đang trong vụ trồng bắp và đậu xanh gần đến thời kỳ thu hoạch. Từ đó đến nay, gia đình hết sức khó khăn do không còn đất để sản xuất. Mong chính quyền sớm quan tâm hỗ trợ và giải quyết đất sản xuất để gia đình ổn định đời sống.

Theo thống kê của ngành chức năng, hồ Phước Trung vỡ, làm cuốn trôi và sạt lở gần 80.000 m2 đất sản xuất của 54 hộ dân ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, với tổng thiệt hại trên 4 tỷ đồng, trong đó có đến 60.000 m2 đất bị xói và sạt lở sâu không có khả năng phục hồi để canh tác.

Ông Ngô Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: Ngay sau sự cố, chúng tôi đã tổ chức đoàn chủ động đo đạc, thống kê thiệt hại để đề xuất phương án hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, thực tế gặp nhiều vướng mắc, nhất là về số liệu thiệt hại và cơ chế đền bù. Khi mới bị thiệt hại, xã tổ chức đo thủ công, sau này được đo lại bằng máy, thì đã có sự tác động của một số hộ dân, cải tạo lại để sản xuất nên có sự chênh lệch, phải điều chỉnh. Về cơ chế đền bù có hai dạng là đền bù hẳn và hỗ trợ, nhưng không có quy định nào về hỗ trợ cả, nên khó thực hiện, phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý với phương án mà xã và huyện đề xuất đó là: đối với diện tích đất sản xuất do bị nước lũ làm sạt lở, cuốn trôi hoàn toàn và cây cối, hoa màu bị thiệt hại, áp dụng cơ chế bồi thường và hỗ trợ theo Quyết định 2380/QĐ của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư. Đối với phần diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, nhưng hiện nay chưa có chính sách bồi thường và hỗ trợ cụ thể, áp dụng cơ chế hỗ trợ cải tạo đất theo Thông tư 08/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và hải sản theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái cùng Ban Quản lý Dự án ODA ngành Nông nghiệp sớm lập phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và hoa màu bị thiệt hại cho người dân.

Ông Trần Chí Lợi, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Dự án ODA ngành Nông nghiệp cho biết: Chúng tôi đã thu thập số liệu sạt lở để bồi thường của bà con 2 xã. Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương nên sắp tới sẽ bồi thường cho người dân ở xã Mỹ Sơn trước. Đồng thời tiếp tục đề xuất xin kinh phí để tiếp tục bồi thường sạt lở cho bà con xã Phước Trung.