Bộ Giao thông vận tải: Gấp rút thẩm định Đề án
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến nay, Bộ đã hoàn thành công tác thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tái cơ cấu TCty Hàng không Việt Nam và TCty Đường sắt Việt Nam; thẩm định lần cuối Đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và TCty Hàng hải Việt Nam.
Đối với 12 TCty do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập thuộc diện tái cơ cấu, Bộ cũng đã hoàn thành thẩm định Đề án tái cơ cấu. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ngành GTVT.
Với đặc thù của ngành, vấn đề khó nhất khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp đối với các đơn vị thuộc Bộ đó là xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi, các khoản thua lỗ; giải quyết, sắp xếp việc làm, lao động dôi dư và có thể phát sinh các khoản chi phí lớn trong tái cơ cấu.
Bộ Công Thương: Chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành chính
Tính đến ngày 1/7/2012, Bộ Công Thương có 18 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 13 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đại diện Bộ Công Thương làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước.
Việc tái cơ cấu các Tập đoàn, TCty Nhà nước thộc Bộ sẽ tập trung vào nội dung xác định rõ vai trò chức năng của từng Tập đoàn, TCty hoạt động, sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ yếu mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh hoặc sản phẩm nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo vì sự ổn định phát triển của quốc gia.
Theo đó, giai đoạn 2012-2015 và đến 2020, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ sẽ tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính gồm: dầu khí, xăng dầu, điện lực, than, khoáng sản, thép, hoá chất, giấy, dệt may, công nghiệp thực phẩm, thuốc lá, rượu bia, nước giải khát.
Bộ sẽ rà soát lại lĩnh vực kinh doanh để phân loại Tập đoàn, TCty.
Đối với Tập đoàn, TCty thuộc nhóm 100% vốn nhà nước, bao gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.... sẽ tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức và tái cấu trúc tài chính, nhân sự nhằm nâng cao vai trò các đơn vị này.
Đối với các Tập đoàn, TCty thuộc nhóm có trên 85% vốn nhà nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) , Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) và và đối với các Tập đoàn, TCty có 65-75 % vốn nhà nước nắm giữ như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), TCty Giấy Việt Nam, TCty Máy, thiết bị công nghiệp, TCty Máy, thiết bị nông nghiệp sẽ tiến hành các giải pháp tái cấu trúc trước khi cổ phần hoá hoặc cổ phần hoá từng phần nhằm tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của các Tập đoàn, Tcty này.
Khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Giải pháp thực hiện Đề án của Bộ Công Thương là sẽ điều chỉnh xây dựng mô hình chiến lược, cơ cấu lại vốn phù hợp với từng Tập đoàn, TCty nhà nước thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ; chấm dứt tình trạng Tập đoàn, TCty nhà nước thuộc Bộ đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, cân đối và huy động nguồn vốn hợp lý nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp nhà nước phải mạnh để cạnh tranh
Trả lời báo chí gần đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Lê Hoàng Hải cho biết, sẽ có các Đề án thành phần do Bộ Tài chính xây dựng nhằm cụ thể hoá việc triển khai thực hiện cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ một số văn bản như: Nghị định về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; Quyết định ban hành quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp; Nghị định về tổ chức hoạt động của của TCty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước; Đề án liên quan đến tái cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp và đặc biệt Nghị định thay thế Nghị định 132 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành xây dựng gấp rút hoàn thành. Đây sẽ là Nghị định quan trọng tạo nền tảng cho xây dựng các cơ chế khác để triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thành công, qua đó tháo gỡ cho các Tập đoàn, TCty trong quá trình triển khai đề án.
Cũng theo ông Hải, sau khi thực hiện tái cơ cấu, từ 1.300 doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này sẽ đủ mạnh để cạnh tranh và trở thành lực lượng quan trọng góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.
Nguồn www.chinhphu.vn