Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần nỗ lực từ chính doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế cho rằng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngoài vấn đề chính sách vĩ mô, các ưu đãi về thuế, lãi suất đầu tư, nguồn lao động… thì rất cần sự nỗ lực từ chính bản thân các doanh nghiệp.

 
Quang cảnh diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Đây là ý kiến được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, diễn ra ngày 2/8, tại TP Hồ Chí Minh.

Băn khoăn về ưu đãi

Theo ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy các Bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi.

Bà Trần Ngọc Phương Hằng, Giám đốc Công ty Phan Sinh cho biết, là doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành xi mạ kỹ thuật cao, chuyên cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn phải "tự bơi" mà chưa nhận được ưu đãi gì về thuế, lãi vay ngân hàng…

Doanh nghiệp của bà Hằng đang có kế hoạch nâng công suất lên nhiều lần, nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ trong việc mở rộng sản suất của doanh nghiệp, như các ưu đãi thuế, lãi suất ngân hàng, chi phí thuê đất khu công nghiệp… để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại diễn đàn, ông Vũ Xuân Mừng, Phó Trưởng cơ quan đại diện Bộ Công Thương tại TP Hồ Chí Minh nhận định ngành công nghiệp hỗ trợ cực kỳ quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song phát triển công nghiệp hỗ trợ rất khó khăn vì vừa đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi lao động chất lượng lại vừa có rủi ro cao, bởi vậy chính sách cũng cần một lộ trình có tính khoa học, phù hợp với sự phát triển chung.

Doanh nghiệp phải chủ động hơn

Theo ông Hirotaka Yasuzumi Giám đốc điều hành của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, khả năng cung ứng tại địa phương của các doanh nghiệp Nhật Bản về nguyên liệu và linh kiện phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chỉ đạt mức 28,7%, thấp hơn nhiều so với các nước châu Á khác như Trung Quốc đạt 59,7% và Thái Lan 53%...

Chính vì vậy Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã triển khai Dự án Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, thực hiện trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Thông qua dự án, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cách thức quản lý chất lượng, phương pháp nâng cao năng suất, tư vấn kỹ thuật… trong thời gian khoảng từ 3 tháng đến 1 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hỗ trợ cho 29 doanh nghiệp và đang tiếp tục triển khai cho 22 doanh nghiệp mới.

Ông Mizunoe, chuyên gia JICA, cho biết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn quen với môi trường bao cấp, không quen với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt cả về sản xuất cũng như dịch vụ, hay nản chí trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có yêu cầu rất ngặt nghèo về chất lượng, tiến độ, luôn giữ lời hứa… Vì vậy, nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng cao được năng lực kỹ thuật, cộng với giá thành rẻ thì chắc chắn sẽ nhanh chóng nâng cao được trình độ cạnh tranh.

Nguồn Chinhphu.vn