Giải pháp giảm nghèo bền vững ở xã Ma Nới (Ninh Sơn)

(NTO) Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, đời sống kinh tế của đại bộ phận nhân dân xã Ma Nới (Ninh Sơn) có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, Ma Nới vẫn là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy Đảng, chính quyền xã là tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư tập trung công tác giảm nghèo nhanh và bền, nâng cao đời sống nhân dân.

Đồng chí Cà Mau Hiền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 6 thôn, gần 790 hộ với hơn 3.660 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm trên 95% dân số. Mặc dù địa phương đã tập trung thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tuy vậy vẫn còn 595 hộ nghèo. Nguyên nhân chính là bà con vẫn quen với tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu sử dụng các giống cây trồng cũ, chất lượng thấp. Do đó, Đảng ủy xã chủ trương thực hiện chuyển đổi cơ cấu câu trồng, vật nuôi phù hợp, hướng dẫn bà con phương thức sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuyến đường từ trung tâm xã vào thôn Do dài hơn 1,5km được bê-tông hóa phục vụ đi lại cho nhân dân địa phương.

Hiện nay, thuận lợi của địa phương là hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, đáp ứng khá tốt nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân. Các công trình thủy lợi thực sự đem lại lợi ích thiết thực. Nếu như trước đây, người dân Ma Nới chỉ sản xuất một vụ lúa do phụ thuộc vào tự nhiên, thì nay do chủ động nước đã tăng lên 2-3 vụ/năm, năng suất tăng từ 4,5-5 tấn/ha. Hệ thống nước tự chảy được Nhà nước xây dựng giúp đồng bào có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Các con đường liên thôn trải cấp phối và bê-tông được hoàn thiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân, là tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển. Hệ thống truyền thanh được Nhà nước đầu tư trên 1 tỷ đồng, giúp đồng bào nắm bắt được các thông tin thời sự, chính trị, giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Nông dân xã Ma Nới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa nước đạt năng suất bình quân 50- 55 tạ/ha.
Ảnh: Sơn Ngọc

Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng, tạo diện mạo mới cho xã, Chương trình 135 còn hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các chương trình hỗ trợ giống cây-con. Ban đầu, xã đã hỗ trợ bò giống cho hộ đặc biệt khó khăn, mua 6 chiếc máy cày tay cấp phát cho 6 thôn trong xã. Xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, canh tác lúa, đậu xanh, bắp lai cho đồng bào. Tổ chức hội nghị đầu bờ để bà con học tập áp dụng vào thực tiễn; cán bộ nông nghiệp “cầm tay chỉ việc” nên bà con nắm bắt nhanh phương thức sản xuất mới, xóa dần tập quán canh tác lạc hậu. Theo đó, xã đã vận động bà con mở rộng diện tích trồng lúa nước, bắp lai xen canh đậu xanh thay vì lúa rẫy, bắp địa phương năng suất thấp. Từ khi bà con Raglai tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và lợi nhuận từ kinh tế nông nghiệp đã tăng lên rõ rệt. Hằng năm, toàn xã gieo trồng khoảng 1.500 ha, sản lượng lương thực ước đạt 6.200 tấn. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, Ma Nới đang dần chuyển hướng phát triển đàn bò sinh sản, phát triển đàn gia súc từ trên 3.300 con lên 3.800 con vào năm 2015.

Nhờ biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của bà con Raglai ở xã Ma Nới từng bước được nâng lên. Hiện nay, trong xã cứ 2 hộ gia đình có 1 xe máy, 70% hộ có ti-vi, 18 hộ gia đình có máy cày, 23 hộ có máy xới đất. Hằng năm, có 95% trẻ em đến tuổi được đến trường; xã được công nhận hoàn thành phổ cập THCS. Người dân chủ động đến Trạm Y tế để khám, chữa bệnh. Xã đã có 5/6 thôn được công nhận Thôn văn hoá, trên 90% hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá.

Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo mang lại kết quả bền vững, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trăn trở: Cho dù việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại những hiệu quả nhất định, nhưng về lâu dài vẫn là vấn đề khó. Bởi do nếp nghĩ của bà con còn “trông chờ, ỷ lại” sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, địa phương rất cần các cấp, các ngành hỗ trợ mở nhiều lớp tập huấn về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ cây giống, con giống; tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển kinh tế để bà con tin tưởng, làm theo. Bên cạnh đó, chính sách cho vay vốn đối với các hộ nghèo cần được mở rộng về cơ chế để bà con có điều kiện được tiếp cận với tất cả các nguồn vốn vay; hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Làm được điều này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng cao Ma Nới sẽ được đẩy mạnh, đưa bà con từng bước thoát nghèo bền vững.