Tín hiệu mới từ vụ cá Nam

(NTO) Vụ cá Nam được tính từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, nhưng đối với ngư dân, mùa Nam chỉ thực sự khởi động khi có gió Tây Nam thổi về. Vào vụ cá Nam năm nay, sau gần ba tháng rời bờ khai thác biển xa, ngư dân tỉnh ta đã trúng đậm vì được mùa, được giá. Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích: “ Mọi năm, vụ Nam đến muộn nhưng năm nay đến sớm, trùng hợp cách tính theo lịch Tây, hầu hết các thuyền nghề trong tỉnh đều tham gia khai thác đạt sản lượng cao”.

Từ đầu năm đến nay, có thể thấy rõ sự chuyển biến thời tiết theo hướng có lợi cho nghề cá. Trong những tháng cuối vụ Bấc, do chịu ảnh hưởng của nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, bão nên ngư dân trong tỉnh chỉ khai thác vùng lộng, vùng ven bờ của vùng biển tỉnh ta. Ngoài những tàu lưới rê nilon của ngư dân phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm) di chuyển ra vùng giàn khoan DK1 khai thác cá ngừ, cá cờ đạt sản lượng cao; trong tháng 2, 3 trên ngư trường từ tỉnh ta kéo dài đến Sóc Trăng liên tục xuất hiện cá cơm với trữ lượng tương đối lớn nên đã giúp các tàu nghề pha xúc của ngư dân Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hiệu quả. Bước sang những tháng đầu vụ cá Nam, do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên các tàu nghề lưới rê nilon đã di chuyển về khai thác tại vùng biển Đông Nam đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Cảng cá Ninh Chử. Ảnh: Văn Miên

Nhờ thời tiết và ngư trường thuận lợi, các thuyền nghề lưới vây rút chì của huyện Ninh Hải khai thác đạt sản lượng cao tại vùng biển khơi tỉnh ta và Bình Thuận; các thuyền nghề mành, nghề câu cũng khai thác hiệu quả tại vùng lộng. Tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh khai thác hải sản đạt sản lượng gần 50.160 tấn, gần bằng 88% kế hoạch năm và tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh cho hay: “Trong vụ cá Nam năm nay, nhờ điều kiện thời tiết và ngư trường thuận lợi nên mặc dù giá nhiên liệu có biến động tăng nhưng ngư dân vẫn đưa tàu đi hoạt động sản xuất, không có tình trạng tàu cá nằm bờ vì lý do giá xăng dầu tăng”.

Trao đổi với các chủ tàu cá ở các địa phương ven biển, chúng tôi được biết trong 3 tháng qua, hải sản khai thác được chủ yếu là các loại cá: Thu, ngừ, trác, ồ, nục, hố, thóc và mực các loại. Đầu vụ Nam, do cá cơm ngừng xuất hiện trên ngư trường, các tàu pha xúc trong tỉnh phải tạm nghỉ để tu bổ thuyền nghề, nay cũng đã tiếp tục khai thác trở lại trên vùng biển Bình Thuận. Theo các cộng tác viên nghề cá địa phương, phần lớn hải sản tiêu thụ tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh với giá bình quân 9.000-40.000 đồng/kg cá nục (tùy loại), 5.000- 7.000 đồng/kg cá cơm, 35.000-70.000 đồng/kg cá hố và 38.000-95.000 đồng/kg mực ống (tùy loại). Nhìn chung giá bán các loại hải sản đã tăng lên. Anh Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS tỉnh cho biết: “Nghề cá được mùa, được giá đã kích thích ngư dân đóng mới, mua sắm tàu thuyền công suất lớn, cái mới là nếu trước đây thường chỉ tập trung tăng ở Cà Ná, Phước Diêm thì nay tàu lớn trên 400 CV tăng cả ở Ninh Hải và Phan Rang-Tháp Chàm”. Tính trong 6 tháng đầu năm, đã có 16 tàu cá đóng mới, đa số có công suất từ 200-400 CV, 16 tàu cá mua ngoài tỉnh có công suất trung bình trên 100 CV/tàu và 36 tàu cá cải hoán nâng công suất từ 90 CV trở lên. Tính đến cuối tháng 7, năng lực tàu cá tỉnh ta có 2.583 chiếc với tổng công suất 203.620 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên đã chiếm khoảng trên 25% số tàu thuyền và trên 70% tổng công suất, chưa kể trên 10 trường hợp đăng ký xin đóng mới tàu cá từ 200 CV trở lên. Dự báo xu hướng tàu thuyền phát triển, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đang chuẩn bị mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên để giúp hoạt động đánh bắt của các tàu cá được thuận tiện.

Thu mua hải sản tại cảng cá Đông Hải. Ảnh: Thanh Long

Có thể khẳng định vụ cá Nam đang có tín hiệu lạc quan, mở ra cho hoạt động khai thác hải sản tỉnh ta niềm hy vọng mới về sự vươn ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển. Tín hiệu này còn chứng tỏ nhận thức, tư duy hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân cũng đang từng bước chuyển biến tiến bộ. Để sản lượng hải sản khai thác vụ cá Nam tiếp tục tăng cao, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh động viên ngư dân tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường tuyến khơi, áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại nghề. Đặc biệt là tổ chức liên kết khai thác trên biển để tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên theo Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, trước những diễn biến ngày càng phức tạp, không theo quy luật tự nhiên của tình hình thời tiết, sẽ gây không ít khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản trên biển, nhất là các tàu đánh bắt tại vùng khơi. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác trong vụ cá Nam, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đề nghị các cấp chính quyền địa phương ven biển và các cơ quan hữu quan cần tích cực phối hợp cùng Chi cục theo dõi sát thông tin ngư trường, kịp thời thông báo cho ngư dân khi có diễn biến thời tiết bất thường.