Nhận diện mối lo thu ngân sách

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thực hiện thu ngân sách chỉ đạt 46,7% so với dự toán năm thấp hơn 9,4% so với năm 2011 và 5,8% so với năm 2010, gây khó khăn về cân đối ngân sách trong đầu tư và chi tiêu.

Sự quan ngại này xuất phát từ tiến độ thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2012.

"Hy sinh" nguồn thu để "cứu" doanh nghiệp

So với cùng kỳ năm trước, tổng thu 6 tháng đầu năm nay đã bị sụt giảm 1,7% về quy mô tuyệt đối, điều chưa từng xảy ra trong cùng kỳ nhiều năm qua. Trừ thu từ dầu thô tăng (7,8%), còn thu cân đối từ xuất nhập khẩu bị sụt giảm mạnh (giảm 16,1%) và thu từ nội địa tăng không đáng kể.

Tỷ lệ thực hiện thu ngân sách 6 tháng đầu năm so với dự toán năm (%)

 
Nguồn: Bộ Tài chính

Tuy nhiên, tỷ lệ tổng thu ngân sách nhà nước/GDP trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 27,63%, thuộc loại khá cao so với các nước và so với định hướng của Việt Nam (ở mức 25%). Điều đó được lý giải là do GDP tính theo giá thực tế bị “co lại” (tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước).

Việc giảm thu ngân sách có nguyên nhân do chính sách cắt, giảm, hoãn một số khoản thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường gồm: 29.000 tỷ đồng gói hỗ trợ doanh nghiệp, 10.000 tỷ đồng giảm thu từ thuế sử dụng đất, 2.000 tỷ đồng miễn thuế sử dụng đất, tổng cộng 41.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, làm tổng nợ thuế tăng theo, tính đến cuối tháng 4/2012 là 46.800 tỷ đồng, tăng gần 11.600 tỷ dồng…

Một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô tô, xe máy, hàng điện tử cũng giảm lượng bán ra (ô tô bán ra 5 tháng giảm 40% so với cùng kỳ). Thu từ lệ phí trước bạ chỉ đạt 33,2% dự toán năm và giảm tới 29,7% so với cùng kỳ. Thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 40,7% dự toán, giảm tới 42,8% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng nhập khẩu giảm làm giảm thu như xăng dầu giảm 21% về lượng, giảm 13% về giá trị, làm giảm thu 1.210 tỷ đồng. ô tô nguyên chiếc giảm 59% về lượng, 54,7% về giá trị, làm giảm thu gần 13.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách còn thất thu nguồn thu từ đất đai, từ khai thác tài nguyên khoáng sản, từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, gian lận thương mại.

Trong tổng số 63 tỉnh, thành phố của cả nước, hiện mới có 24 địa phương có số thu nội địa đạt từ 48% dự toán trở lên, còn 39 địa phương đạt dưới 48% dự toán, trong đó có 32 địa phương đạt dưới 45% dự toán; trong nhóm này có cả các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Cần Thơ…

Do tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm của tổng chi là 45,8%, thấp hơn tỷ lệ của tổng thu, nên tỷ lệ bội chi so với dự toán cả năm ở mức 45,2%, thấp hơn tỷ lệ tương ứng của tổng thu và của tổng chi. Đáng chú ý, tỷ lệ bội chi/GDP, nếu cả năm trước là 4,4%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5,3%, thì 6 tháng năm nay đã ở mức trên 5%.

Đây là một cảnh báo quan trọng, bởi tỷ lệ bội chi cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, buộc phải cắt giảm đầu tư, chi tiêu, hoặc phải tăng vay nợ. Bội chi ngân sách cao cũng là yếu tố tiềm ẩn của bất ổn kinh tế vĩ mô.

 
Ảnh minh họa: dddn.vn

Hỗ trợ tăng trưởng hợp lý

Để giảm bớt những hạn chế bất cập và những khó khăn thách thức trên, biện pháp đầu tiên là cần làm cho “chiếc bánh” GDP to ra. Nếu GDP là hiệu quả của nền kinh tế, thì tỷ lệ thu ngân sách/GDP là hiệu quả của hiệu quả. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP cao có một phần do quy mô GDP còn nhỏ.

Vấn đề đặt ra là đã đến lúc phải lo cho tăng trưởng kinh tế hợp lý, để tăng quy mô GDP. Muốn vậy, phải có giải pháp với liều lượng cao hơn, kịp thời hơn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Khi có quy mô GDP lớn hơn, “chiếc bánh” to ra, thì việc phân chia “chiếc bánh” này thuận hơn, tỷ lệ tính bằng phần trăm của nhà nước có thể thấp đi, nhưng về quy mô tuyệt đối vẫn cao hơn.

Đồng thời, ngành Tài chính phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh hơn nữa việc chống thất thu – hiện tượng này còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các trung tâm kinh tế; chống nợ đọng thuế.

Mặt khác, phải chống thất thu do buôn lậu, gian lận thương mại, chống chuyển giá; mặt khác đối với sản xuất trực tiếp cần quan tâm hơn nữa để “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”, giúp cho người sản xuất, kinh doanh vượt qua thời kỳ khó khăn này. Cần phát huy hơn nữa tác động của việc cắt, giảm, hoãn thuế và phí, như Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn đầu tư từ ngân sách, từ vốn trái phiếu Chính phủ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Bám sát dự toán để điều hành tiến độ thực hiện, kiên quyết giữ mức bội chi/GDP như mục tiêu đã đặt ra. Cần chú ý GDP tính theo giá thực tế năm nay sẽ không tăng cao, do tốc độ tăng theo giá so sánh có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch và thấp hơn năm trước; do tốc độ tăng CPI tính bình quân năm của năm nay có thể thấp hơn năm trước (6 tháng tăng 12,2%, khả năng cả năm chỉ bằng một nửa tốc độ tăng 18,58% của năm trước).

Nguồn www.chinhphu.vn