Gặp em từ độ lúa vàng,
Cọng rơm dẫn lối anh sang ngỏ lời.
Làng Chăm Thành Ý, yêu ơi,
Xóm thôn hồn hậu, tình người đất quê.
“Mai làng vào hội Ka-tê,
Mời anh ở lại, đừng về, mẹ mong”.
Ngẩn ngơ câu hát say lòng,
Đường làng hương lúa thơm nồng lối đi.
Thái Sơn Ngọc
Một buổi sáng mai đẹp trời, trên cánh đồng làng Chăm lúa chín vàng, có một chàng trai làng Kinh sang ngỏ lời cô gái làng Chăm (Thành Ý). Cũng ngày ấy đúng vào Lễ hội Ka-tê, lễ hội truyền thống, đặc sắc của dân tộc Chăm, cô gái tình tứ mời chàng ở lại…Và chuyện tình yêu của đôi lứa nẩy nở thật đẹp trong sự chở che, đùm bọc của dân làng. Cảm xúc thơ dâng trào và thế là các cặp lục bát bắt thành vần, ngân thành điệu, kết thành thi phẩm Làng Chăm Thành Ý - thơ của Thái Sơn Ngọc ra đời như thế…
Mối tình đôi lứa trong tác phẩm được đan lồng trong đời sống của dân làng Chăm trên mảnh đất Ninh Thuận đầy hào phóng nắng gió và lòng người nhân hậu, bao dung này.
Cái khó nhất để các cặp đôi lứa lần đầu đến với nhau là cái cớ duyên đầu. Chàng trai của Làng Chăm Thành Ý thì sao, chắc cũng không là ngoại lệ “cái cớ” duyên đầu ấy? Đúng thế. Ta đang nóng lòng chờ đợi xem đôi lứa của chúng ta có gì đặc biệt, thì cái cớ đã hiện ra rờ rỡ trước mắt ta kia: ô, những cọng…rơm!
Gặp em từ độ lúa vàng / Cọng rơm dẫn lối anh sang ngỏ lời. Thật độc đáo! Lấy cái cọng rơm xơ xác, khô gầy, thứ đã bị người ta bỏ đi, được tác giả thổi hồn, nhân hóa thành bà mối mát tay kết duyên lành cho hôn nhân hạnh phúc lứa đôi, dễ chỉ có một Thái Sơn Ngọc!
Cọng rơm ngỏ lối anh sang ngỏ lời ngoài vẻ đẹp nên thơ, nó còn là chuyện sâu nặng tình đời, tình người, sâu nặng tình quê, xứ sở. Cọng rơm ở đây đâu chỉ là dấu hiệu của cuộc sống nơi làng quê, nó còn là bà mối xe duyên, là chiếc cầu luyến ái, nó làm rạo rực, xốn xang bao chàng trai tuấn tú, bao thiếu nữ xuân thì.
Chỉ hai chữ gặp em thôi ta đã rõ chàng trai đến với cô gái nhẹ nhàng, bình dị nhưng không kém phần ý nhị, gặp gỡ như chỉ tình cờ mà thực ra hẹn hò đã thành cố ý. Không thể cưỡng được, nhân vật trữ tình cất tiếng. Hồ hởi reo vang mà sâu lắng vô cùng: Làng Chăm Thành Ý yêu ơi / Xóm thôn hồn hậu tình người đất quê. Hai tiếng yêu ơi kết ở câu lục nghe hồ hởi vang vọng, thiết tha; thì tình quê được chiều chuộng khi ở câu bát, xóm thôn và đất quê tự nguyện rẽ về hai đầu mút câu thơ dang tay, ôm trọn vào giữa lòng nồng ấm nâng niu cái hồn hậu, tình người mà chở che, mà ấp ủ.
Đẹp biết bao, những chàng trai, những cô gái hồn thơm phong nhụy, được sinh ra và lớn lên trong tiếng ru hời, giữa lòng nôi thơm thảo của Người Mẹ Việt ân nghĩa, thủy chung! Người đọc ai mà không chờ tiếng nói thốt lên chân thành đáp lại lòng chàng, trong tiếng vọng con tim, thổn thức của cô gái mộc mạc, chân quê? Thì đây: Mai làng vào hội Ka- tê / Mời anh ở lại, đừng về, mẹ mong. Tiếng cô gái cất lên nhẹ nhàng, ấm áp, duyên dáng làm sao! Đó là tiếng lòng thầm kín được hé lộ, ấp ủ niềm mong luyến ái. Lễ hội Ka-tê vừa đến. Lòng nàng nóng bỏng, say đắm tình yêu. Cái riêng rạo rực trong cái chung. Cô không thể nén lòng được nữa và cất tiếng lòng thổ lộ cùng ai. Đầu tiên là lời mời (mời anh ở lại) rồi đến một lời khuyên dìu dặt, thiết tha (đừng về), sau cùng là lời tâm tình, cưu mang sâu nặng (mẹ mong).
Đã mời anh ở lại, đừng về chưa đủ hay sao mà cô còn vin lây sang cả mẹ (mẹ mong)? Phải chăng với đạo lý truyền thống, người mẹ có sức mạnh níu giữ lớn lao, nàng không thể không tranh thủ chớp lấy mà vận vào cơ may? Chữ mẹ xem chừng lây cả lòng ai? Mẹ là mẹ của em? Là mẹ của anh? Hay là mẹ chung của hai đứa chúng mình? Hiểu theo nghĩa nào là tùy thuộc vào người nghe, thế thôi. Nàng chỉ buông hờ như làn gió thoảng vậy thôi. Nhưng ai dám bảo đó không phải là một cách buộc chặt đối tượng hiệu nghiệm nhất bằng một sợi dây mỏng mảnh nhất: lạt mềm? Lời lẽ của cô gái mộc mạc, mà nhuần nhị, mà dễ thương!
Bài thơ kết lại rồi: Ngẩn ngơ câu hát say lòng / Đường làng hương lúa thơm nồng lối đi. Ôi, đẹp thay là câu hát! Câu chuyện tình đôi lứa, tình người và Lễ hội Ka-tê ngàn đời hay lời mời tình tứ của cô gái Chăm ngân lên thành câu hát? Có lẽ là tất cả. Đúng, tiếng hát là tinh hoa, là tinh chất nhất của mọi thứ tiếng nói tình nghĩa ở trên đời!
Câu thơ kết thật đẹp. Hương lúa thơm nồng thuộc về đường làng? hay thuộc về lối đi? Ta cũng không thể phân biệt rạch ròi được nữa, vì tất cả đã quy tụ về một chỉnh thể của cái đẹp! Đẹp của ý thơ! Đẹp của lời thơ!
Thái Hà