Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trong khi thế hệ nhà thơ rất nổi tiếng trước cách mạng rơi vào thế lúng túng, thì một thế hệ nhà thơ mới đã nổi lên thời chống Pháp với chất hào hoa, lãng mạn như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Trong đó, đặc biệt với bài thơ “Tây Tiến”, Quang Dũng dường như có chỗ đứng khá biệt lập. “Tây Tiến” chính là đỉnh cao trong sự nghiệp của Quang Dũng bên cạnhĐôi bờ, Mắt người Sơn Tây đã cho thấy tâm hồn lãng mạn, phiêu du nhưng mang đậm hơi hướng dân tộc. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là trong sự nghiệp thơ ca của ông, không có bài nào vượt qua Tây Tiến.
Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988)
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, thời thế cũng góp phần làm biến mất hướng đi độc đáo mà Quang Dũng có được trong bài “Tây Tiến”.
Quang Dũng là một người sống nội tâm, mọi sự với ông đều hư ảo. Thơ ông cũng mang chất giang hồ, có thể coi là một căn bệnh của thời đại đó, điển hình trong hai bài “Giang hồ” và “Trở rét”. Nếu “Chiêu Quân” - một trong những bài thơ sớm nhất của ông (sáng tác từ năm 1937), thơ Quang Dũng còn mang hơi hướng Đường thi, thì đến “Tây Tiến” là sự kết hợp của Đường thi và chất lãng mạn, tâm hồn phiêu du, vượt thoát hiện tại nhưng vẫn bám vào chất dân tộc. Theo ông, đó chính là điểm khiến “Tây Tiến” thành công đến vậy.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tây Tiến là đỉnh cao của thơ Quang Dũng
Còn nhà phê bình Vũ Nho cho rằng ở bài “Tây Tiến”, Quang Dũng đã sáng tạo nên rất nhiều điểm mới, độc đáo mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là những hình ảnh “nhớ chơi vơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, “sông Mã gầm lên khúc độc hành”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”… Theo ông, nhờ Quang Dũng, trung đoàn Tây Tiến đã nổi tiếng khắp nơi, và cuộc chinh chiến của các chàng trai Hà Nội đọng lại những hình ảnh đẹp về trận chiến hùng tráng và những phút thơ mộng, lãng mạn của họ.
Cũng cùng nhận định này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tác phẩm “Tây Tiến” như một dấu son không thể phai mờ trong gia tài thơ Quang Dũng, cũng như thi ca thời chống Pháp. Theo ông, đó là một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác (năm 2008), một bài thơ làm sống dậy hình ảnh và những chiến công của một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người. Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt.
Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng đọc bài thơ nổi tiếng nhất
của cha mình tại buổi toạ đàm.
Có mặt tại buổi toạ đàm, nhà thơ Vân Long, vốn là một người bạn thân thiết của Quang Dũng đã kể nhiều câu chuyện thú vị về ông. Ông cho biết hai niềm đam mê lớn nhất của đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”. Thơ là hệ quả tất yếu từ hai yếu tố này, nhưng với Quang Dũng, giấc mộng phiêu du và bạn bè dường như là điều quý giá nhất với ông, hơn cả thơ. Nhà thơ Quang Dũng thường dửng dưng với thơ của mình, ông làm thơ xong thường để đâu đó và không quan tâm đến nó, nên thơ của ông thất lạc rất nhiều. Nhưng với bạn bè, ông là một người đôn hậu, hiền hòa, cởi mở, tình bạn rộng khắp.
Nhân dịp này, Công ty Nhã Nam ra mắt bạn đọc yêu thơ Quang Dũng tập tinh tuyển “Mắt người Sơn Tây” - có thể nói là một tập hợp hết sức giá trị.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, với việc sưu tầm và in những bài thơ từ năm 1937 của Quang Dũng (như bài “Chiêu Quân”), giúp ông nhận ra được con đường đưa Quang Dũng tới đỉnh cao “Tây Tiến”.
Nguồn Báo Nhân Dân Điện tử