Ngăn chặn tình trạng giảm phát

Sau nhiều tháng tăng liên tục, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của cả nước đã lần đầu giảm với mức 0,26% so tháng trước. Nhìn lại diễn biến CPI từ đầu năm cho đến nay, có thể thấy CPI hằng tháng đều tăng ở mức độ thấp và đến tháng 6 này bắt đầu giảm, khiến CPI sáu tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 2,52%.

CPI tháng này giảm, khiến không ít ý kiến lo ngại về tình trạng giảm phát. Theo Tổng cục Thống kê thì mức giảm CPI trong tháng 6 chưa thể coi là dấu hiệu của tình trạng này bởi giảm phát chỉ diễn ra khi CPI liên tục giảm trong nhiều tháng. Mặt khác, nếu so tháng 6-2011 thì CPI tháng 6 năm nay vẫn tăng tới 6,9% và CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2012 đã tăng 12,2% so cùng kỳ năm trước. Ðây vẫn là mức tăng cao và nhìn chung giá cả trên thị trường vẫn đứng ở mức cao. Mặc dù vậy, CPI tháng 6 giảm được coi là tín hiệu "mừng ít lo nhiều" bởi mức giảm 0,26% của tháng 6 là mức giảm thấp nhất của CPI từ năm 2009 đến nay, thậm chí so cả thời kỳ kinh tế trong nước suy giảm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. CPI tháng 6 giảm là hệ quả của sức tiêu dùng trên thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng cùng với việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát nảy sinh những tác dụng phụ không mong muốn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không có các biện pháp kích thích tiêu dùng, tăng tổng cầu thì với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, CPI có khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu trong những tháng tới.

Trong bối cảnh đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho và kích thích tăng trưởng. Song, việc giải ngân cần tập trung vào các dự án có hiệu quả, dự án cấp bách, sớm hoàn thành... tránh tình trạng giải ngân một cách ồ ạt, không hiệu quả, khiến lượng tiền cung ra quá lớn, gây nguy cơ lạm phát. Với các dự án ODA hay FDI, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thực hiện các dự án này như giải quyết kịp thời vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng nhanh... Bên cạnh đó, có thể nới "van" tín dụng cho các dự án bất động sản, đặc biệt là những dự án sử dụng nhiều vật liệu xây dựng để giải quyết được lượng hàng tồn kho như xi-măng, sắt, thép... Tín dụng cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm còn nhiều dư địa để tăng trưởng, trong khi nợ xấu đang làm nghẽn dòng vốn tới doanh nghiệp. Do đó, cần nhanh chóng cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu, nhất là phân loại doanh nghiệp để xử lý nợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Tuy nhiên, cần điều hành chặt chẽ lượng tiền cung ra thị trường và lượng tiền hút về để bảo đảm không dẫn đến lạm phát. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm năm 2009 khi nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, thì sau đó lạm phát quay trở lại vào các năm tiếp theo (2010 và 2011). Ðể tránh được vòng luẩn quẩn này, điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa những tháng cuối năm chắc chắn sẽ rút được kinh nghiệm năm 2009, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam