Các giải pháp để phát triển nghề trồng táo bền vững

(NTO) Nghề trồng táo mang lại hiệu quả kinh tế cao do đất đai thích nghi, kỹ thuật trồng dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, thời gian canh tác có thể thực hiện quanh năm, thị trường tiêu thụ ổn định.

Qua kết quả nghiên cứu, cho thấy năng suất của cây táo phụ thuộc rất lớn vào việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Kết quả này giúp cho nông dân trồng táo phải chú ý đến việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng mùa vụ để nâng cao năng suất.

Với những đặc điểm nêu trên, để phát triển nghề trồng táo bền vững, cần tổ chức thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Cần quy hoạch lại vùng trồng táo tập trung ở các địa phương có quy mô phù hợp với điều kiện về đất đai, hệ thống tưới tiêu hợp lý. Đầu tư các khu sản xuất tập trung mới có điều kiện áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác, điều tiết được thời gian cắt cành, thời gian thu hoạch theo yêu cầu của thị trường, bố trí trái vụ sẽ thu được giá cao.

- Cần triển khai áp dụng kỹ thuật mới vào nghề trồng táo từ khâu làm đất, chọn giống, ghép cành, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Người nông dân phải quan tâm nhiều hơn về chất lượng quả táo thể hiện trên các mặt: về độ lớn của quả, độ ngọt thanh, giòn, màu sắc và độ bóng của quả táo.

- Phải tuân thủ quy trình trồng táo theo hướng an toàn (GAP), không sử dụng thuốc BVTV trong danh mục bị cấm; sử dụng các thuốc BVTV thông thường phải bảo đảm được thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ nông nghiệp vào hoạt động sản xuất như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc tự nhiên, áp dụng các mô hình canh tác GAP, quản lý dịch hại tổng hợp IPM/ICM, xử lý chất thải trong quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường và cách ly phun thuốc 10 ngày bảo đảm không có dư lượng thuốc BVTV, hoá chất trên quả táo thương phẩm.

- Xúc tiến nhanh việc xây dựng nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận, xây dựng website  táo để giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu loại trái cây ăn quả nhiệt đới này đến với người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, chú ý đến các thị trường tiềm năng là các siêu thị, nhà hàng, chợ trái cây đầu mối và từng bước vươn tới xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến quả táo xanh theo mô hình:

- Đối với quả lớn: Thu hoạch xong, phân loại theo kích cỡ, quả lớn phân thành 2 loại, từ 10-15 quả/kg và trên 15-20 quả/kg, sau đó xử lý, đóng gói bao bì tiêu thụ quả tươi.

- Đối với quả nhỏ hơn: Có thể bán tươi cho các thị trường gần, phần còn lại có thể chế biến thành các sản phẩm như: táo sấy khô, mứt táo, nước ép, rượu táo …. Đối với nước ép từ quả táo cần liên hệ với các nhà máy sản xuất nước giải khát để có những hợp đồng và nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, cũng như phương thức bảo quản nước táo sau khi ép. Điều chỉnh thị trường thông qua đầu tư chế biến sẽ hạn chế tình trạng dội chợ khi được mùa và giải quyết các loại quả nhỏ hiện đang khó tiêu thụ, giá lại thấp.

Cần tổ chức lại sản xuất cho người nông dân: Nâng cao tay nghề cho người trồng táo thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng táo an toàn. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ khác như cung cấp cây giống, phân bón, thuốc BVTV. Từng bước liên kết các hộ trồng táo riêng lẻ lại với nhau theo mô hình Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã để hạn chế những yếu kém về thiếu thông tin đầu vào, đầu ra, giá cả thị trường, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật trồng táo an toàn,  phòng trừ sâu bệnh nhất là ruồi đục trái, ngài đục trái hiện đang gây thiệt hại rất lớn cho nghề trồng táo.

Các giải pháp trên sẽ là định hướng phát triển bền vững nghề trồng táo tại tỉnh ta.