Tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ hay khó ?

(NTO) Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên để tiếp cận được nguồn vốn giả rẻ này vừa dễ lại vừa khó với các DN.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh số cho vay nền kinh tế ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã nhận được 24.714 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng (tăng 888 hồ sơ so cùng kỳ năm trước), đã giải quyết cho vay 24.697 hồ sơ, đạt 99,93%. Trong đó khách hàng là doanh nghiệp 1.724 hồ sơ (tăng 298 hồ sơ), hộ sản xuất 21.511 hồ sơ (tăng 459 hồ sơ), khách hàng khác 1.462 hồ sơ (tăng 162 hồ sơ); chỉ có 17 hồ sơ từ chối cho vay (giảm 31 hồ sơ so với cùng kỳ năm trước), nguyên nhân từ phía khách hàng (do dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi).

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.
Ảnh: D.Anh

Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã vào cuộc bằng việc cơ cấu lại nguồn vốn, gia hạn vốn vay cũ, cho vay vốn mới để các DN tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong tháng 5, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 17 món, với dư nợ được điều chỉnh, gia hạn là 7.217 triệu đồng. Trong đó điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: 14 món/3.890 triệu đồng (khách hàng là DN 3 món/2.973 triệu đồng, hộ vay 11 món/917 triệu đồng); gia hạn nợ 3 món, với số tiền 3.327 triệu đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hợp đồng tín dụng đã giải ngân xuống mức cho vay hiện hành (14%/năm) 74 món, với số tiền 73.000 triệu đồng (khách hàng là DN 71 món/70.000 triệu đồng, hộ vay 3 món/3.000 triệu đồng); xem xét giảm lãi vay 3 món, với số lãi được giảm là 223 triệu đồng (khách hàng là DN 2 món/128,6 triệu đồng, hộ vay 1 món/94,4 triệu đồng); cho vay ngắn hạn lãi suất bằng hoặc dưới 14% là 1.795 món, với doanh số 576.161 triệu đồng (khách hàng là DN là 625 món/521.718 triệu đồng, hộ vay 1.170 món/54.443 triệu đồng). Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã làm việc với các DN có hoạt động xuất khẩu nắm bắt tình hình, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn vay để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Sau khi tiếp nhận kiến nghị, ngày 19-6, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo 2 ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết kiến nghị vay vốn của một DN; trước đó ngân hàng đã cho một DN vay 100 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Từ kết quả trên cho thấy các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang có những động thái tích cực cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tình hình thực tế, để Nghị quyết 13 của Chính phủ đi vào cuộc sống còn nhiều vấn đề đặt ra cho cả ngân hàng và DN. Trên cơ sở lãi suất huy động vốn ngắn hạn giảm xuống còn 9%/năm, kể từ ngày 11-6-2012, hàng loạt các ngân hàng trong tỉnh đã giảm lãi suất cho vay tối đa xuống 13%/năm, hiện mức cho vay vốn ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng trong tỉnh dao động từ 11,5- 13%/năm. Với lãi suất cho vay hiện hành nhiều DN cho đây là “phao” để tái cơ cấu kinh doanh, phục hồi sản xuất sau một thời gian dài gồng mình vì lãi suất “khủng”.

Chế biến nhân điều xuất khẩu tại Công ty CP Xuất khẩu Nông sản tỉnh. Ảnh: T.Long

Làm thế nào để được tiếp cận với lãi suất giá rẻ đang là câu hỏi được đặt ra? Theo ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, thì hầu hết các DN trong tỉnh đều có nợ vốn vay với ngân hàng và hết hạn mức cho vay. Tình hình kinh doanh khó khăn dẫn đến việc hàng tồn kho nhiều và đương nhiên kéo theo DN không có vốn để sản xuất, vì vậy kinh doanh cầm chừng. Vốn vay ngân hàng chưa giải quyết được, hạn mức vay vốn kịch trần, điều kiện cho vay vốn phải có phương án sản xuất, kinh doanh mới khả thi nên nhiều DN cho rằng Nghị quyết 13 chưa đến cơ sở. Theo các văn bản của Chính phủ và Ngân hàng, đối tượng ưu tiên thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 13 là các DN trực tiếp sản xuất hàng hóa, trong khi đó ở tỉnh ta hầu hết các DN kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hoặc là đại lý phân phối hàng hóa cho cơ sở sản xuất trong và ngoài nước, vì vậy DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi không nhiều, nên cho rằng việc tiếp nguồn vốn vay giá rẻ vừa dễ và vừa khó. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã thực hiện việc cơ cấu nợ, hạ lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn vay cho 4 lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động. Các ngân hàng đã dựa trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của mình, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành. Ngân hàng thương mại thực chất là một DN, vì vậy với DN là mối quan hệ cả hai bên đều có lợi nên chỉ có những trường hợp DN nợ xấu quá nhiều và khả năng trả nợ khó thì ngân hàng không tiếp tục giải ngân vốn vay vì phải đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Thời gian qua, có một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong các DN đó là sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Trước đây do nguồn vốn vay trung hạn lãi suất cao nên DN (nhất là DN xây dựng cơ bản) chuyển vốn vay ngắn hạn sang mua sắm tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tình hình kinh tế khó khăn, việc kinh doanh không thuận lợi, ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến khả năng trả nợ vốn vay của DN khó. Hiện một số DN “đàn anh” trong tỉnh tự gỡ khó cho mình bằng việc rao bán tài sản để trả vốn, lãi suất ngân hàng và kéo theo đó là ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Từ tình hình hoạt động hiện nay của các DN trong tỉnh, ông Vũ Hữu Tuân, kiến nghị: “Trước thực tế sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ tình hình địa phương, các ngân hàng thương mại linh động chuyển nguồn vốn vay ngắn hạn trước đây của DN sang vốn vay trung hạn, gia hạn vốn vay cho từng loại vốn để DN tiếp tục được vay vốn ngắn hạn với lãi suất hiện hành. Bên cạnh đó tỉnh quan tâm chỉ đạo Tổ đôn đốc quyết toán công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình để ngân hàng có cơ sở giải quyết vốn vay mới cho DN, có như vậy nguồn vốn tín dụng mới được khơi thông để tiếp sức cho DN vượt qua thời điểm khó khăn này”.