Nông dân Thanh Hải khổ vì nước sản xuất bị nhiễm mặn

(NTO) Gần một năm nay, nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) gặp khó khăn vì nước sản xuất bị nhiễm mặn. Hàng chục ha đất hoa màu đang có nguy cơ bỏ hoang.

Là xã ven biển, Thanh Hải có 1.800 hộ dân, trong đó khoảng 1.200 hộ làm nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, tập trung ở các thôn: Mỹ Tân 1, Mỹ Tân 2, số hộ còn lại ở thôn Mỹ Phong, Mỹ Hiệp, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng hoa màu và chăn nuôi nhỏ lẻ. Diện tích đất sản xuất ít, chỉ có 36 ha, nhưng nhờ thổ nhưỡng thích hợp với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hành, tỏi… nên đời sống của bà con tương đối ổn định. Tuy nhiên, gần đây sản lượng cây trồng giảm sút, khiến cho nông dân rất lo lắng.

Hành của nông dân xã Thanh Hải bị chết do nước nhiễm mặn.

Anh Phạm Thành Phước, cán bộ Khuyến nông - Khuyến ngư xã Thanh Hải đưa chúng tôi đi thăm các khu vực sản xuất của bà con địa phương. Trên cánh đồng hoa màu xanh tốt ngày nào, nay xuất hiện những đám “da beo”, nhiều dây hành ngã màu úa vàng, có chỗ chết rụi. Nông dân Dương Văn Lẹ ở thôn Mỹ Hiệp, bộc bạch: “12 dây hành (tương đương 1,1 sào) của tôi sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị lép củ, thân mềm nhũn thối dần đành phải nhổ bỏ. Các hộ trồng hành đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, hết rớt giá lại mất mùa”.

So với thôn Mỹ Hiệp, mức độ thiệt hại của bà con nông dân ở thôn Mỹ Phong nhiều hơn. Trong số 22 ha đất hoa màu, có tới 5 ha bị nhiễm mặn không trồng hành, tỏi được. Anh Trần Trường than thở: “Liên tiếp những vụ hành, tỏi gần đây nông dân đều thất thu. Nhiều hộ bị mất vốn không dám đầu tư sản xuất trở lại mà chuyển qua trồng các loại cây ngắn ngày, như: ớt, rau ngò, rau muống”. Anh Đào Hùng có 1 sào tỏi bị lép củ, tính toán: Đầu tư trồng một sào tỏi trừ tiền giống, công cày bừa, chăm sóc, tiền mua phân bón… hết hơn 30 triệu đồng, chỉ cần sản lượng thấp là khó có lời, đằng này có nhiều gia đình phải nhổ bỏ trồng lại nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, các hộ trồng hành, tỏi trong thôn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê ban đầu của UBND xã Thanh Hải, vụ đông- xuân năm 2011-2012 có gần 1 ha hành, tỏi của 8 hộ dân bị chết, ước thiệt hại gần 500 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị nhiễm mặn. Đồng chí Lê Thành Nhựt, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Ở địa phương, nước sản xuất lấy từ nguồn nước ngầm. Vì bà con khai thác cường độ cao, cộng với thời tiết nắng nóng, ít mưa, làm cho nước ngầm cạn kiệt nên bị nước biển xâm thực. Thời điểm hiện nay có rất nhiều giếng đào của bà con bị trơ đáy. Đơn cử như giếng của ông Dương Văn Lẹ ở thôn Mỹ Hiệp mọi năm bơm cả buổi không cạn, nhưng năm nay mới bơm 30 phút là hết nước”.

Khi nước sản xuất bị nhiễm mặn, nông dân chỉ biết “trông trời mưa”. Tuy nhiên, theo phản ảnh của các hộ trồng hành, tỏi ở thôn Mỹ Phong, nước sản xuất bị nhiễm mặn một phần do 26 lò cá hấp xả nước thải trực tiếp xuống cát, lâu ngày thấm vào ruộng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, đồng chí Lê Thành Nhựt, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn phản ảnh của bà con và tiến hành đi thực địa xác minh vụ việc. Các lò cá hấp được xây dựng trên triền cát nằm về phía Bắc thôn Mỹ Phong, cạnh khu vực sản xuất hành, tỏi của bà con nên không loại trừ khả năng nước thải thẩm thấu vào ruộng. Địa phương đã kiến nghị ngành chức năng sớm quy hoạch làng nghề chế biến cá hấp để đảm bảo sản xuất ổn định cho bà con”. Đồng chí Lê Thành Nhựt, cho biết thêm: “Do nguồn nước bị nhiễm mặn, nên ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè - thu. Mọi năm tầm giữa tháng 6 bà con đã hoàn tất xuống giống hành, nhưng năm nay mới được 0,25 ha. Nếu tình trạng này kéo dài, thì không riêng gì cây hành vụ hè - thu mà nguy cơ tỏi vụ bấc (vụ chính trong năm, xuống giống vào tháng 9) cũng không sản xuất được.