Ninh Phước: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

(NTO) Nhằm tạo sức bật trong sản xuất nông nghiệp về quy mô và chất lượng, tạo điều kiện cho nông dân ngày càng tiếp cận nhiều hơn với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những năm qua Ninh Phước đã chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã triển khai trên 20 mô hình dự án KHCN, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình mới trong trồng trọt, chăn nuôi đã được áp dụng hiệu quả và nhân rộng ra nhiều địa phương, từ đó nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như mô hình “Thâm canh cây hành tím trên nền đất cát theo hướng G.A.P” được triển khai vào cuối năm 2008. Đây là một trong những mô hình góp phần tạo nên thương hiệu “Rau sạch An Hải” ngày nay.

Nông dân xã Phước Sơn huyện Ninh Phước thu hoạch táo. Ảnh: Văn Miên

Từ việc thâm canh cây hành tím, người dân đã biết vận dụng vào sản xuất một số loại cây trồng khác thích hợp với nền đất cát của địa phương như cải xanh, cà rốt, ớt…và thu được hiệu quả rất cao. Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: “Từ khi thí điểm mô hình trồng hành tím thành công đến nay, cùng với việc chuyển đổi và thâm canh thành công các loại cây khác trên nền đất cát, thương hiệu “Rau an toàn An Hải” ngày càng được nhiều người biết đến, thu nhập của bà con nông dân cũng tăng gần 30% so với trước đó”. Nếu ở thời gian đầu, khi triển khai thí điểm tại một số hộ dân trên địa bàn 2 xã Phước Hải và An Hải chỉ có 2 ha đất thâm canh cây hành tím, thì đến nay diện tích hành tím và các loại cây trồng trên nền đất cát đã có gần 100 ha. Ngoài ra các mô hình như “tưới nước tiết kiệm”; “trồng cây măng tây xanh”, được Hội Nông dân tỉnh triển khai vào năm 2011, cùng một số mô hình khác hướng đến cây lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình thí điểm rất thành công và đang được nhân rộng tại xã Phước Hậu. Từ quy mô 10 ha trong vụ hè- thu 2011, đến vụ đông- xuân năm nay đã tăng diện tích lên 30ha, năng suất lúa đạt 8tạ/sào, tăng gần 20% so thời vụ lúc trước)… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Phước Hậu.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình như: Lai tạo đàn bò, nuôi gà an toàn…mới nhất là mô hình nuôi heo đen địa phương được thí điểm ở 4 hộ thuộc thôn Tà Dương, xã Phước Thái đang đạt hiệu quả bước đầu đáng mừng. Trước đây, bà con nuôi heo đen thả rong, tỷ lệ sống chỉ đạt 40-60%, nay thực hiện mô hình điểm nuôi trong chuồng, tỷ lệ heo sống cao và trọng lượng tăng nhanh hơn. Những mô hình chăn nuôi này đã và đang từng bước hướng người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở một số xã miền núi, vùng xa dần thích nghi với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo thu nhập kinh tế gia đình trong thời gian tới.

Nông dân xã Phước Hải, huyện Ninh Phước áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm
trong chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả cao. Ảnh NN

Đồng chí Trần Văn Hùng, Phó Phòng Kinh tế -Hạ tầng, Chủ nhiệm các đề án KHCN huyện Ninh Phước cho biết: “Hằng năm kinh phí để triển khai các mô hình, đề án cho sự nghiệp KHCN của huyện từ 150 – 200 triệu đồng. Vì vậy việc ứng dụng KHCN ở địa phương đã có bước đi đáng mừng, trong đó đặc biệt là ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định cho bà con một số địa phương”.

Có thể thấy việc chú trọng. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đây còn là nguồn động lực để nông dân thoát nghèo, khi áp dụng thành công các mô hình sản xuất tiên tiến. Dù vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc triển khai các đề án KHCN tuy được đẩy mạnh và nhân rộng nhưng lại chưa thật sự đồng đều, một số mô hình sau khi triển xây dựng khai thí điểm đã không được triển khai đại trà. Thậm chí có mô hình khi triển khai thí điểm thì thành công nhưng chỉ sau một thời gian lại đi vào im lặng. Chẳng hạn như mô hình “Nuôi thử nghiệm gà H’Mông” được triển khai vào năm 2009 tại xã Phước Hữu, chỉ sau 6 tháng mô hình này đã mang lại hiệu quả khá cao, được nhân rộng đến các địa phương khác. Tuy nhiên đến đầu năm 2011, khi nhắc đến gà H’Mông thì người nuôi lại ngán ngẩm bởi "đầu ra" ngày càng khó khăn. Nhìn nhận về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Hùng cho biết thêm: “Khi triển khai mô hình nuôi thử nghiệm gà H’Mông, đúng là bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng mừng, tuy nhiên do một số người dân chưa nhìn nhận đúng, khi chưa có sự khuyến cáo của ngành chức năng đã tự ý nhân rộng mô hình, dẫn đến tình trạng khó khăn khi tìm "đầu ra". Bên cạnh những thuận lợi, huyện Ninh Phước vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc đưa tiến bộ KHCN đến với người nông dân. Ngoài việc phân bổ chậm nguồn kinh phí các đề án thì lực lượng cán bộ hoạt động KHCN còn rất mỏng, thiếu kinh nghiệm, thậm chí một số địa phương chưa có cán bộ theo dõi lĩnh vực KHCN nên vẫn còn “mơ hồ” trong việc triển khai tại cơ sở. Bên cạnh đó, ý thức người dân cũng chưa thật sự cao trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất.

Trong thời gian tới, huyện Ninh Phước vẫn xác định đẩy mạnh các ứng dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, để công tác này thật sự phát huy hiệu quả thì ngoài việc tiếp tục nhân rộng các mô hình đã mang lại kết quả cao, huyện cần củng cố, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu; đặc biệt tăng cường sự phối chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động để nông dân chủ động tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến vào thâm canh sản xuất, tăng thu nhập nâng cao đời sống.