Chỉ tính từ năm 2009 đến 2011, toàn huyện Ninh Phước đã có hơn 20 công trình giao thông nông thôn được xây dựng, nâng cấp mở rộng, với tổng kinh phí gần 15,2 tỷ đồng. Trong đó, có gần chục tuyến đường đầu tư trọng điểm vào việc vận chuyển nông sản, hàng hóa, đường vào khu sản xuất, làng nghề…của các xã. Điển hình như 2 tuyến đường nội thôn Long Bình 1 và 2 (xã An Hải) vừa hoàn thành cuối năm 2011, với chiều dài gần 1,5km; tuyến đường đi qua khu dân cư Bình Quý từ Quốc lộ 1A tiếp giáp đến đường 703 (thuộc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư)… đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân địa phương.
Đường vào thôn Phước Lợi được xây dựng khang trang.
Xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông nông thôn là “đòn bẫy” phát triển kinh tế của các địa phương, những năm qua ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ các dự án, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua đó ngày càng phát huy tinh thần làm chủ, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả được thấy rõ qua hàng chục công trình bê-tông hóa đường nội thôn có sự đóng góp của người dân địa phương. Tiêu biểu như bà con thôn Phước Lợi, xã Phước Thuận, sau cơn lũ cuối năm 2010, thôn được Chủ tịch nước tặng 200 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi họp và thống nhất ý kiến của gần 400 hộ dân trong thôn, thì toàn bộ số tiền trên đã được góp vào việc bê-tông hóa 2 tuyến đường trung tâm của thôn, với chiều dài gần 1,2km. “Nhờ quyết tâm và sự đồng lòng của bà con, đến nay địa phương chúng tôi đã có gần 90% các trục đường được bê-tông và cứng hóa, đã thực sự tạo thuận lợi cho bà con lưu thông và làm cho diện mạo của thôn đẹp hơn rất nhiều”- ông Dương Hữu Thọ, Trưởng BQL thôn Phước Lợi phấn khởi cho biết.
Theo đồng chí Ngô Khánh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ninh Phước, những năm gần đây mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã thay đổi rất nhiều, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương ngày một phát triển. Qua thống kê, giao thông nông thôn trên toàn huyện cơ bản đã được kiên cố và hoàn thiện hơn 50%, với gần 70 tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê-tông hóa. Trong đó có rất nhiều tuyến trọng điểm tại các khu vực sản xuất, vận chuyển nông sản... đang góp phần tạo được sức bật trong bước đi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều tuyến đường giao thông ở các xã vùng xa chưa được hoàn thiện, việc đi lại của nhân dân còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là nhân dân ở một số thôn, xóm chưa thật sự quan tâm đến lợi ích cho chính mình, còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Trăn trở về vấn đề này, đồng chí Ngô Khánh cho biết thêm: “Vai trò của người dân là rất lớn, một số địa phương như An Hải, Phước Thuận, Phước Hậu…đã tạo được sức bật trong xây dựng nông thôn mới từ việc phát huy nội lực của nhân dân, nhưng vẫn còn một số địa phương nhận thức của người dân chưa cao trong công tác này, dù huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Bên cạnh đó việc phân bổ nguồn kinh phí cũng là vấn đề khó với địa phương hiện nay”.
Để Ninh Phước sớm hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư, thì công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của người dân, tiếp tục phát huy vai trò nội lực của nhân dân, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình hay, cách làm mới của các địa phương. Có như vậy, tin rằng trong thời gian tới mạng lưới giao thông nông thôn Ninh Phước sẽ hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Nguyễn Sơn